CEO HSBC: Việt Nam cần 670 tỷ USD để chuyển đổi số và xanh
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam mở đường cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, nguồn lực cho quá trình chuyển dịch này ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD…
Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024 (lần thứ 2) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM đồng tổ chức, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đã có bài tham luận khá sâu sắc về chủ đề "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam".
Thông điệp mà chuyên gia HSBC muốn nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Mới Việt Nam 2024, đó là: Thế giới đang thay đổi nhanh chóng hơn chúng ta có thể tưởng tượng và tốc độ thay đổi sẽ chỉ ngành càng tăng lên trong tương lai. Chúng ta phải thích nghi với thay đổi và tìm cách vượt qua khó khăn trong khi nắm bắt cơ hội. Thay đổi thì tốn kém nhưng chậm trễ còn tốn kém hơn. Lựa chọn là của mỗi chúng ta.
VIỆT NAM VÀ HÀNH TRÌNH THAY ĐỔI
Với nhan đề "Thay đổi là xu hướng tất yếu cho tăng trưởng tương lai", ông Tim Evans đã bắt đầu bài tham luận bằng câu chuyện về sự thay đổi của Việt Nam, ông Tim Evans cho biết: "Là đối tác chính thức của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chúng tôi có vinh dự mang câu chuyện phát triển thần kỳ của Việt Nam ra thế giới. Một trong những phần thú vị nhất của câu chuyện này chính là hành trình tăng trưởng tuyệt vời Việt Nam trải qua những thập kỷ gần đây, thể hiện qua vị thế Việt Nam đạt được trên trường quốc tế. Việt Nam hiện sở hữu 16 hiệp định thương mại tự do và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia".
Trải qua nhiều thập kỷ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia có thu nhập trung thấp với một nền kinh tế phát triển. Nhiều tổ chức dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mốc 760 tỷ USD vào năm 2030. Riêng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 7.0%. Việt Nam được kỳ vọng là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay.
Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về GDP và top 20 xét về thương mại, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.
Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để có được vị thế như ngày hôm nay bởi quốc gia này sẵn sàng đón nhận thay đổi. "Suốt nhiều năm, FDI vẫn luôn là một trong những động lực quan trọng của sự tăng trưởng vượt bậc này, chiếm 4-6% GDP hàng năm. Tuy nhiên, câu chuyện về sự tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đơn giản xoay quanh “thu hút FDI và xuất khẩu”", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Gần đây, đã có những động lực mới xuất hiện tiếp tục thúc đẩy câu chuyện của Việt Nam lên một tầm cao mới.
ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG THAY ĐỔI
"Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ Việt Nam để đón bắt hai xu thế: Tiến bộ công nghệ và Biến đổi khí hậu", ông Tim Evans nói.
Điều này được thể hiện rõ trong hai chiến lược quốc gia gồm: Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Ngoài ra, Chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khối doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn.
Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh, một số đã có chiến lược và mục tiêu rõ ràng.
Bền vững từng là “sân chơi” của các doanh nghiệp FDI bởi họ tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác nơi xu hướng ESG phát triển hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên.
Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện. Thay đổi không phải là một lựa chọn mà là điều cần thiết đối với doanh nghiệp. Và thay đổi cũng mang lại lợi ích nhất định.
Chuyển đổi số trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh trước tình hình cạnh tranh gia tăng và nhu cầu khách hàng biến đổi. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá để mang lại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn nhờ công nghệ tiên tiến. Chuyển đổi xanh có thể tốn kém nhưng cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực Asean về giao dịch điện tử, chỉ sau Indonesia, quốc gia có dân số đông gấp 3 lần Việt Nam.
Theo khảo sát của HSBC, 47% doanh nghiệp tại Việt Nam muốn chuyển đổi số trong những năm tới và 40% muốn chuyển đổi bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
“Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới chỉ chi 1% GDP cho hoạt động chuyển đổi số. Trong khi đó, chi phí chuyển đổi số trung bình của doanh nghiệp là 27,5 triệu USD. Ước tính, Việt Nam cần 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số (bao gồm cả khu vực công và doanh nghiệp)”, ông Tim Evans cho biết.
Cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng vào năm 2050 (Net Zero) tại COP26.
“Kích cỡ và tần suất các cơn bão đã tăng 500 lần, tốc độ gió của các cơn bão cũng như lượng mưa tăng 11% so với 20 năm trước. Ước tính cho đến nay có khoảng 3,5 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu”, ông Tim Evans nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi xanh.
Theo HSBC, ước tính chi phí chuyển đổi sang Net Zero toàn cầu là 3,5 nghìn tỷ USD/năm. Riêng Việt Nam cần 400 tỷ USD đến 2040 để đưa phát thải ròng về 0. Trong đó, 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam là điện gió và điện mặt trời.
Những nỗ lực nhằm đạt được phát thải khí nhà kính ròng bằng không có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể.
Báo cáo với chủ đề: "Triển vọng Phát triển Châu Á: Châu Á trong công cuộc chuyển dịch toàn cầu sang phát thải ròng bằng 0" do ADB công bố cuối tháng 9/2024 cho biết lợi ích của việc chuyển dịch sang phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu có thể gấp 5 lần chi phí.
Theo các chuyên gia quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải nhanh chóng thay thế than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn các “bể chứa carbon”, chẳng hạn như rừng.
Các chuyên gia khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: định giá carbon và cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất, các quy định và cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy năng lượng sạch hơn, và bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc làm để bảo đảm công bằng.