Chỉ nộp lại tài sản, tội phạm tham nhũng cũng không thể thoát án tử
Người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì mới được xem xét không thi hành án - Uỷ ban Tư pháp trả lời kiến nghị của cử tri.
Tập hợp từ Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cũng như nhiều kỳ họp trước, cử tri cả nước quan tâm gửi nhiều kiến nghị về công tác phòng chống tham nhũng đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội.
Phải hội đủ nhiều yếu tố
Cụ thể, cử tri đề nghị Quốc hội có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn đối với tội phạm tham nhũng có số tiền lớn, không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm về tham nhũng nhằm đấu tranh hiệu quả với “quốc nạn tham nhũng” và xem xét lại quy định người phạm tội tham nhũng có thể nộp tiền thay án tử hình.
Hồi âm ý kiến cử tri, Uỷ ban Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Quốc hội đã quyết định giữ nguyên hình phạt tử hình ở các tội "tham ô" và "nhận hối lộ" nhằm răn đe và xử lý nghiêm đối với tội phạm tham nhũng.
Văn bản trà lời cử tri cũng nêu rõ, khoản 3 điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Quy định này, theo Uỷ ban Tư pháp, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội đã biết ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Bên cạnh việc nộp lại tài sản phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì mới được xem xét không thi hành án.
Quy định tại khoản này nhằm mở ra một cơ hội sống cho người bị kết án tử hình nếu họ thỏa mãn các điều kiện đặt ra nhưng họ vẫn phải thi hành hình phạt tù chung thân và dù có tích cực cải tạo thì thời gian thực tế chấp hành án phạt tù của họ tối thiểu cũng là 30 năm - cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri giải thích.
Tăng cường chất vấn về tham nhũng
Cử tri tỉnh Gia La đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan chức năng xử lý đúng pháp luật, nghiêm minh các vụ án tham nhũng.
Trả lời kiến nghị này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu, trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án tham nhũng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước và gây tâm lý bức xúc cho người dân. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; vụ án tham nhũng tại công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; vụ án tham nhũng tại Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (hơn 6 nghìn tỷ đồng), vụ án Phạm Công Danh (hơn 9 nghìn tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh những vấn đề xã hội quan tâm, nhân dân đang bức xúc về tình trạng tham nhũng ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, xuất hiện nhiều trong các cơ quan giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến lợi ích hàng ngày của nhân dân, cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Uỷ ban Tư pháp khẳng định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, áp dụng nhiều giải pháp để đấu tranh với vấn nạn này. Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đã được các cơ quan chức năng phát hiện, đã và đang được xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất, mức độ nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Văn bản trả lời cho biết, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và Ủy ban Tư pháp nói riêng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như tăng cường chất vấn tại Quốc hội, uỷ ban Thường vụ Quốc hội. giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực mà mình phụ trách trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra còn tổ chức đoàn giám sát tại các địa phương để tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện Luật và chấp hành pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, kể cả giám sát việc xử lý đối với một số vụ án tham nhũng cụ thể.
Đặc biệt, theo dõi, giám sát việc các cơ quan chức năng tiến hành xét xử các đại án tham nhũng đã được cử tri nêu, hoàn thiện cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng… Trên cơ sở đó có đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực để đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.