Chưa nâng cấp hệ thống thu phí metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên
Được nhận định là “đã lạc hậu” dù chưa đi vào khai thác, thế nhưng lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, hệ thống thu phí của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chưa cần thiết phải nâng cấp vào thời điểm này…
Hệ thống thu phí tự động hiện tại của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là một trong các hạng mục, yêu cầu chính của gói thầu CP3, đã được tư vấn chung lập năm 2010, nhà thầu thiết kế kỹ thuật chi tiết năm 2015.
Mặc dù chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống thu phí của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được các chuyên gia nhận định là có nhiều bất cập, không “đồng bộ” và có phần lạc hậu…
Từ năm 2021, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã nghiên cứu bổ sung nâng cấp hệ thống thu phí tự động với nhiều phương án, giải pháp khác nhau (đầu tư bằng vốn của dự án metro, vốn vay ODA, vốn ngân sách, vốn huy động xã hội). Tháng 3/2022, MAUR đã có kiến nghị Thành phố cho đầu tư triển khai việc nâng cấp hệ thống thu phí tự động này với kinh phí 159 tỷ đồng.
Lý do được MAUR đưa ra, là hệ thống thu phí hiện tại được thiết kế cách đây đã 12 năm, tồn tại nhiều bất cập như chỉ hỗ trợ vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Vé không định danh nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật… Việc mua vé, nạp tiền cũng hạn chế như không thể chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng…
Trước kiến nghị của MAUR, mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân TP.HCM, cho rằng hiện chưa cần thiết đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí tự động cho tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, việc đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí tự động bằng nguồn vốn ODA theo đề xuất của MAUR là không khả thi vì phải điều chỉnh các hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu liên quan, điều chỉnh dự án, thiết kế,… làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án là phải hoàn thành vào cuối năm 2023.
Vẫn theo giải thích của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí tự động có chi phí cao do phải sử dụng công nghệ, thiết bị của nước ngoài vì tính ràng buộc của vốn ODA. Trong khi đó, các nhà thầu, sản xuất, cung cấp trang thiết bị, mấy móc tại Việt Nam hiện nay đều bảo đảm chất lượng và có thể cung cấp cho dự án.
Còn nếu đầu tư sử dụng vốn đầu tư công thì sẽ xảy ra tình trạng “không đồng bộ”, dễ xảy ra chồng chéo trong quản lý, vận hành vì cùng một hệ thống thu phí nhưng có hai dự án cùng triển khai: hệ thống thu phí hiện hữu và hệ thống thu phí hoàn toàn tự động sau khi đầu tư nâng cấp.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết thêm, sau khi đưa vào khai thác, vận hành vẫn có thể đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí. Trường hợp tương tự như một số quốc gia trước đây đã triển khai.
Đối với phương án huy động vốn xã hội hóa, Sở Giao thông vận tải Thành phố nhận định chưa có cớ sở để xem xét. Cụ thể, đề xuất của nhà đầu tư mới chỉ có tính chất sơ bộ, chưa nêu rõ nội dung trong phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) như thế nào…
Dựa vào các phân tích trên, và để bảo đảm tiến độ dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên theo kế hoạch đã đề ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM chấp thuận không phát sinh hạng mục đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí tự động vào dự án.
Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.
Dự án có bốn gói thầu chính: Gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) hiện đạt 97,1%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,64%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 96,17%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe...) đạt 82,7%.
Dự án hiện đã đạt 93% và đang tiếp tục thực hiện thi công các hạng mục còn lại. MAUR cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án vào cuối năm 2023 như đã đề xuất, và đưa vào khai thác thương mại năm 2024.