Chuẩn bị sẵn quy trình, nghiệp vụ để áp dụng Thông tư về chứng khoán, gỡ khó cho nhà đầu tư ngoại
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giao cơ quan chủ trì soạn thảo sớm tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Thông tư về chứng khoán và chuẩn bị sẵn các quy trình nghiệp vụ để đồng thời áp dụng ngay khi Thông tư được ký ban hành...
Ngày 26/7/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì hội nghị thảo luận về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải đã trình bày những nội dung chính của Dự thảo Thông tư sửa đổi và chia sẻ thêm thông tin về hai vấn đề trọng tâm tại Dự thảo Thông tư.
Thứ nhất, về tiêu chí không yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định này áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài cá nhân thì vẫn áp dụng mức ký quỹ như theo quy định hiện tại.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể cách thức đặt lệnh, nhận lệnh, cơ chế xử lý khi nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền, trong đó, để quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán và quá trình kết nối thanh toán giữa các bên.
Dự thảo Thông tư cũng có quy định công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán, mức độ tín nhiệm khách hàng và mức độ thanh toán của từng công ty chứng khoán để xác định hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu.
Thứ hai, về tiêu chí đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tại dự thảo Thông tư đã đưa ra quy định việc tổ chức niêm yết, công ty đại chúng có trách nhiệm công bố thông tin tiếng Việt, tiếng Anh theo lộ trình, đối tượng và thông tin công bố cụ thể.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả nhà đầu tư, các thành viên thị trường khi tham gia trên thị trường chứng khoán.
Để đáp ứng tiêu chí về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) theo tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng đề ra, thì giải pháp không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước giao dịch là giải pháp ngắn hạn; còn về dài hạn sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Hiên nay, các đơn vị đang phối hợp xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để triển khai đồng bộ ngay khi Thông tư có hiệu lực thi hành.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao sự đồng thuận từ đại diện các bộ ngành và các thành viên thị trường, các ngân hàng thanh toán, lưu ký, tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán, công ty chứng khoán, những tổ chức có liên quan và giao cơ quan chủ trì soạn thảo sớm tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Thông tư và chuẩn bị sẵn các quy trình nghiệp vụ để đồng thời áp dụng ngay khi Thông tư được ký ban hành.
Như VnEconomy đưa tin, ngày 20/7 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (gọi tắt là Dự thảo Thông tư).
Dự thảo Thông tư sửa đổi có nhiều quy định mới nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chia sẻ tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” cuối tuần trước, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nói: "Đến thời điểm này vẫn còn một số ý kiến nhưng về cơ bản nội dung chính đều có sự đồng thuận của các nhà đầu tư quốc tế, trong kỳ review tháng 9 tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực".