Chứng khoán Mỹ giảm, giá dầu tăng vọt sau tin Ukraine, bitcoin lập kỷ lục mới trên 73.000 USD
Giới đầu tư ở Phố Wall đang rất cảnh giác về những gì mà Fed sắp đưa ra tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 19-20/3...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/3), với chỉ số S&P 500 tuột khỏi mức kỷ lục thiết lập trong phiên trước, khi các cổ phiếu công nghệ như Nvidia đuối sức. Giá dầu tăng gần 3% sau khi có tin Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, và giá bitcoin với xung lực tăng mạnh đã thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trên ngưỡng 73.000 USD.
Lúc đóng cửa, S&P 600 giảm 0,19%, còn 5.165,31 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,54%, còn 16.177,77 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 37,83 điểm, tương đương tăng 0,1%, đạt 39.043,32 điểm.
Nếu như trong phiên trước, nhóm cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường lên kỷ lục là nhóm công nghệ, thì phiên này, cổ phiếu công nghệ lại là “thủ phạm” chính khiến thị trường giảm điểm.
Mức giảm khá mạnh được ghi nhận ở nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Trong đó, cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia giảm 1,1%; cổ phiếu Meta Platforms - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - trượt 0,8%; cổ phiếu tập đoàn công nghệ Apple mất 1,2%. Cả nhóm công nghệ thông tin giảm 1,1%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500.
Từ năm ngoái, xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ chủ yếu tập trung vào cổ phiếu công nghệ. Gần đây, khi đà tăng của nhóm công nghệ chững lại, áp lực giảm đối với toàn thị trường tăng lên do hầu như không có một nhóm nào khác có thể giữ vai trò trụ cột ở thời điểm này.
“Nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu công nghệ sau phiên tăng mạnh hôm thứ Ba. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư về các cổ phiếu có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu vẫn lạc quan hơn bao giờ hết”, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty Vital Knowledge, ông Adam Crisafulli, nhận định với hãng tin CNBC.
Hôm thứ Ba, S&P 500 và Nasdaq tăng hơn 1% mỗi chỉ số, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của tháng 2 được công bố ở mức về cơ bản phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, một vấn đề ít nhiều khiến nhà đầu tư lo lắng là chỉ số CPI lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng nhiều hơn so với kỳ vọng.
“Thị trường đã cảm thấy được giải toả khi xem số liệu CPI toàn phần, nhưng vẫn thận trọng về CPI lõi. Trong ngắn hạn, bức tranh kinh tế vĩ mô và vấn đề chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn sẽ là những vấn đề mà nhà đầu tư đặc biệt quan tâm”, nhà quản lý danh mục Ayako Yoshioka của công ty Wealth Enhancement Group phát biểu.
Theo bà Yoshioka, giới đầu tư ở Phố Wall đang rất cảnh giác về những gì mà Fed sắp đưa ra tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 19-20/3. Bà cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ điều hành chính sách tuỳ theo các dữ liệu kinh tế và đưa ra một lập trường trung tính hơn.
“Nhìn vào dữ liệu lạm phát toàn phần và lạm phát lõi, có thể thấy lạm phát dai dẳng hơn một chút so với những gì mà mọi người kỳ vọng”, bà Yoshioda nói, đề cập đến sự tăng giá của nhóm dịch vụ trong báo cáo CPI mới nhất.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,16 USD/thùng, tương đương tăng 2,78%, chốt ở mức 79,72 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,11 USD/thùng, tương đương tăng 2,58%, chốt ở mức 84,03 USD/thùng.
Cú tăng này của giá “vàng đen” diễn ra sau khi có tin Ukraine tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga - một diễn biến cho thấy rủi ro mà cuộc chiến tranh giữa hai nước này đặt ra đối với hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng.
Theo hãng tin Reuters, thiết bị bay không người lái (drone) của Ukraine đã tấn công vào một nhà máy của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft ở vùng Ryazan và một nhà máy của công ty Novoshankhtinks ở vùng Rostov. Các cuộc tấn công này diễn ra chỉ một ngày sau khi Ukraine tấn công một nhà máy lọc dầu khác của công ty Lukoil thuộc vùng Nizhny Novgorod.
Ukraine đã liên tục có các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí của Nga kể từ tháng 1. Các cuộc tấn công mới nhất diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga vào cuối tuần này.
Theo Chủ tịch Andy Lipow của công ty Lipow Oil Associates, chiến dịch tấn công của Ukraine năm nay đã nhằm vào các nhà máy lọc dầu chiếm 25% trong tổng công suất lọc dầu 6,8 triệu thùng/ngày của Nga. Ông cho biết 50% công suất lọc dầu của Nga nằm trong tầm tấn công bằng thiết bị bay không người lái từ Ukraine. Cũng theo ông Lipow, các cuộc tấn công này có thể làm suy giảm hoạt động xuất khẩu dầu diesel của Nga và biến nước này thành một quốc gia nhập khẩu xăng.
Trên thị trường tiền ảo lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá bitcoin giao dịch ở mức khoảng 73.100 USD, tăng hơn 2% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 11% so với cách đó 1 tuần - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.
Đây là vùng giá cao chưa từng thấy của bitcoin, cho thấy xung lực tăng giá của tiền ảo này vẫn mạnh sau khi phá kỷ lục gần 69.000 USD của năm 2021 cách đây hơn 1 tuần. Giá bitcoin đang được hỗ trợ bởi sức hút của các quỹ ETF bitcoin giao ngay ở Mỹ và sự kiện phân đôi (halving) sắp diễn ra vào tháng 4.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo giá bitcoin đã tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn nên áp lực bán tháo có thể xuất hiện trong ngắn hạn. Đến hiện tại, giá tiền ảo này đã tăng gần gấp đôi từ mức 38.000 USD vào cuối tháng 1.
Dựa trên phân tích kỹ thuật, công ty phân tích tài sản kỹ thuật số Swissblock cho rằng khả năng sụt 20% về dưới ngưỡng 60.000 USD trước khi nối lại xu hướng tăng. Theo báo cáo của Swissblock, giá bitcoin đã tăng gần như liên tục trong 1 tháng rưỡi qua mà không có một sự điều chỉnh đáng kể nào, nên rất có khả năng sắp bước vào một giai đoạn giảm nhiệt.
“Chẳng có tài sản nào chỉ có tăng giá không ngừng. Ngay cả bitcoin cũng vậy. Một đợt diễn biến ngược lại của giá bitcoin có thể đang tới gần”, báo cáo nhận định.