Chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới, giá dầu nhảy hơn 2%
“Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ, vì đang có một sự đặt cược lớn vào công nghệ AI. Những gì đang diễn ra khá giống với cơn sốt cổ phiếu công nghệ hồi cuối thập niên 1990"...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/3), với chỉ số Nasdaq đạt mức cao nhất mọi thời đại và chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 5.100 điểm, khi nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu công nghệ là cách đặt cược tốt nhất trong môi trường lạm phát suy yếu và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Giá dầu thô cũng tăng mạnh do xuất hiện những dấu hiệu của sự thắt chặt nguồn cung.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 1,14%, đạt 16.274,94 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy của chỉ số này, sau khi kỷ lục cũ được thiết lập vào phiên ngày thứ Năm, Trong phiên, có lúc chỉ số đạt 16.302,24 điểm, mức điểm nội phiên cao nhất từ trước đến nay, “xô đổ” kỷ lục cũ thiết lập vào tháng 11/2021.
S&P 500 tăng 0,8%, đóng cửa ở mức 5.137,08 điểm, đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa trên ngưỡng 5.100 điểm và phá vỡ kỷ lục thiết lập vào phiên ngày thứ Năm.
Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên với mức tăng 90,99 điểm, tương đương tăng 0,23%, đạt 39.087,38 điểm.
Đi đầu trong phiên tăng này vẫn là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ Nvidia tăng 4%, nâng tổng mức tăng trong 12 tháng qua lên hơn 260%. Meta - công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook - cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 2%.
Thị trường có thêm một tuần tăng nữa, là tuần tăng thứ 7 trong vòng 8 tuần trở lại đây. Trong đó, mức tăng mạnh nhất 1,74% thuộc về Nasdaq. S&P 500 tăng 0,95%. Dow Jones đuối hơn hai chỉ số còn lại, hoàn tất tuần một giao dịch với mức giảm 0,11%.
Trong 3 thước đo chủ đạo của chứng khoán Mỹ, Nasdaq là chỉ số cuối cùng thiết lập kỷ lục trong năm nay, với lần lập kỷ lục đầu tiên trong năm 2024 của Nasdaq là vào phiên ngày thứ Năm tuần này. Niềm hưng phấn của giới đầu tư với cổ phiếu AI đã giữ vai trò chất xúc tác để cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn dẫn dắt toàn thị trường suốt từ năm ngoái đến nay.
Lạm phát giảm tốc và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xoay trục chính sách tiền tệ sang mềm mỏng trong năm nay cũng đóng góp vào xu hướng tăng điểm trở lại của thị trường sau đợt bán tháo dữ dội vào năm 2022. Tuy nhiên gần đây, nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall có đôi chút lo lắng khi cho rằng Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất sang nửa sau của năm nay vì lạm phát không giảm nhanh như kỳ vọng.
“Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ, vì đang có một sự đặt cược lớn vào công nghệ AI. Những gì đang diễn ra khá giống với cơn sốt cổ phiếu công nghệ hồi cuối thập niên 1990. Nhà đầu tư gây giờ hoàn toàn không đếm xỉa đến những bộ phận khác của thị trường, và điều này thường không dẫn đến kết quả tốt”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của công ty Harris Financial Group cảnh báo về rủi ro khi cổ phiếu công nghệ “gánh” cả thị trường.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,71 USD/thùng, tương đương 2,19%, chôt sở mức 79,97 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/11. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,71 USD/thùng, tương đương tăng 2,09%, chốt ở mức 83,94 USD/thùng.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng OPEC+ có thể duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho tới hết quý 2 năm nay, thậm chí là cho tới hết năm. Quyết định về sản lượng dự kiến sẽ được OPEC+ đưa ra trong tuần đầu của tháng 3.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Tháng 11 năm ngoái, nhóm này đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1.
Trong một báo cáo vào hôm thứ Năm tuần này, ngân hàng Bank of America nhận định giá dầu Brent có thể bứt phá lên vùng 95 USD/thùng trong quý 2 năm nay, khi giới đầu tư liên tục mua vào khi giá lập đáy khiến đáy sau cao hơn đáy trước.
Chiến lược gia Paul Ciana của Bank of America nhận định nếu bứt phá qua ngưỡng kháng cự gần 85 USD/thùng, giá dầu Brent sẽ xác nhận một xu hướng tăng mới, nhưng điều quan trọng là giá cần phải giữ vững được ngưỡng hỗ trợ 80 USD/thùng trong tháng 3 này. Theo ông Ciana, nếu giảm dưới 80 USD/thùng, giá dầu Brent có thể trượt về cận dưới của phạm vi giá ở ngưỡng 73-75 USD/thùng.
Ngoài nhân tố sản lượng dầu của OPEC+, giá dầu còn đang bị ảnh hưởng bởi triển vọng kinh tế Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Trong khi bức tranh ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gây áp lực giảm lên giá dầu, chiến tranh ở Gaza tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”.
Các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đang gặp phải trở ngại lớn sau khi hàng chục người Palestine ở Gaza thiệt mạng trong lúc chờ cứu trợ nhân đạo. “Tôi từ chối áp lực quốc tế yêu cầu kết thúc chiến tranh trước khi chúng tôi đạt được tất cả các mục tiêu của mình”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tuyên bố vào hôm thứ Tư tuần này.