Chứng khoán Mỹ liên tiếp phá kỷ lục, giá dầu lao dốc
Thị trường đang cho rằng nếu đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ mang tới chính sách tài khóa thân thiện hơn với doanh nghiệp...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/7), khi giới đầu tư tin rằng vụ ám sát hụt nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump sẽ giúp ông và Đảng Cộng hòa thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Trong khi đó, giá dầu thô có thêm một phiên giảm do đồng USD tăng giá.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 2018,82 điểm, tương đương tăng 0,53%, đạt 40.211,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, đạt 5.631,22 điểm. Cả hai chỉ số cùng lập kỷ lục nội phiên và đây cũng là mức điểm chốt phiên cao chưa từng thấy của Dow Jones.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,4%, chốt ở mức 18.427,57 điểm.
Thị trường cho rằng nếu đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ mang tới chính sách tài khóa thân thiện hơn với doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Những tia hy vọng này giúp xu hướng tăng của thị trường bắt đầu mở rộng từ tuần trước, thay vì chỉ tập trung vào các cổ phiếu công nghệ vốn hóa như trước đây.
“Tin tốt là ông Trump không bị thương nặng, rằng ông ấy đã vượt qua được vụ ám sát hụt. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng thị trường sẽ duy trì được xung lực tăng”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Đại hội của Đảng Cộng hòa đã khai mạc ở Milwaukee, bang Wisconsin vào ngày thứ Hai. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ông Trump đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 1,8%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2022 và đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp, cho thấy sự mở rộng của xu hướng tăng điểm. Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nói việc ông Trump trúng cử nhiệm kỳ thứ hai có thể giúp các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng vượt trội, tương tự như sau khi ông Trump đắc cử vào năm 2016.
Trên trang web đặt cược trực tuyến PredictIt, tỷ lệ đặt cược vào một chiến thắng dành cho ông Trump đang là 68%, từ mức 60% vào hôm thứ Sáu tuần trước. Tỷ lệ đặt cược vào một chiến thắng dành cho ông Biden là 26%.
Ngoài yếu tố chính trị, thị trường phiên đầu tuần còn tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng giảm lãi suất. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở Washington DC, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Fed sẽ không đợi cho tới khi lạm phát giảm về 2% mới hạ lãi suất. Ông cũng nói khó có chuyện nền kinh tế hạ cánh cứng.
“Chúng ta đang tiến rất gần tới chỗ mà Fed có được những số liệu mà họ muốn có để có thể giảm lãi suất. Đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất chi phối tâm lý thị trường vào lúc này”, trưởng nghiên cứu Bill Merz của công ty US Bank Asset Management phát biểu.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 94% Fed hạ lãi suất lần đầu trong cuộc họp tháng 9. Ngoài ra, thị trường đang đặt cược khả năng gần 62% Fed có đợt giảm lãi suất thứ hai vào tháng 11 và khả năng gần 44% đợt giảm lãi suất thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 12.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,18 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, chốt ở mức 84,85 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,3 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, chốt ở mức 81,91 USD/thùng.
Giá dầu giảm do đồng USD tăng giá và mối lo về sự suy yếu về nhu cầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Chỉ số Dollar Index tăng khoảng 0,1%, chốt phiên đầu tuần ở mức 104,19 điểm.
Báo cáo thống kê của Trung Quốc công bố cùng ngày cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1/2023 và thấp hơn mức dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng Fed sớm giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị âm ỉ ở Trung Đông. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những yếu tố này chưa đủ để giúp giá vàng bứt phá trong ngắn hạn.