Chứng khoán Mỹ lưỡng lự trong lúc chờ đàm phán trần nợ, giá dầu tăng 1%
“Nhà đầu tư đang bắt đầu lo ngại về những gì xảy ra trong cuộc đàm phán trần nợ, nhưng mặt khác, nền kinh tế vẫn đang khá mạnh, thị trường việc làm thực sự mạnh”...
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/5) trong trạng thái không đồng nhất và không có nhiều thay đổi so với phiên trước, trong bối cảnh giới đầu tư chờ một cuộc gặp quan trọng để xử lý vấn đề trần nợ. Giá dầu tăng 1% nhờ những dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trong nửa cuối của năm nay.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,02%, đạt 4.192,63 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 140,05 điểm, tương đương giảm 0,42%, còn 33.286,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,5%, đạt 12.720,78 điểm.
Phiên tăng này đưa Nasdaq lên mức điểm đóng cửa cao nhất và mức điểm nội phiên cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có cuộc gặp tại Nhà Trắng vào lúc 5h30 chiều ngày thứ Hai theo giờ Washington, sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức, để tiếp tục cuộc đàm phán trần nợ.
Theo tin mới nhất từ hãng CNBC, phát biểu trước cuộc gặp, ông Biden nói ông và ông McCarthy cần một thoả thuận nâng trần nợ mà “chúng tôi có thể thuyết phục được cả đôi bên” trong một Quốc hội có sự chia rẽ sâu sắc.
“Chúng tôi vẫn có một số bất đồng, nhưng tôi cho rằng chúng tôi có thể đến được nơi cần đến”, ông Biden nói trước khi bước vào cuộc thảo luận.
Ông McCarthy - nhân vật cấp cao nhất của Đảng Cộng hoà tại Hạ viện - có cùng sự lạc quan thận trọng như người đứng đầu Nhà Trắng. “Tôi nghĩ rằng rốt cục chúng tôi có thể tìm ra điểm chung để đưa nền kinh tế của chúng ta mạnh lên và giải quyết được khối nợ này. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là việc đưa Chính phủ tiếp tục vận hành để chống lại lạm phát, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và duy trì sự vận hành của hệ thống phân bổ ngân sách”.
Trước khi diễn ra cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa khẳng định ngày 1/6 sẽ là ngày sớm nhất mà Washington có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Hiện tại, vấn đề cắt giảm chi tiêu vẫn đang là một trở ngại chính đối với việc nâng trần nợ. Phe Cộng hoà nhất quyết đòi giảm chi tiêu về mức cơ sở của năm 2022, trong khi ông Biden nói việc cắt giảm chi tiêu trên diện rộng nhất định phải đi kèm với tăng thuế.
“Nhà đầu tư đang bắt đầu lo ngại về những gì xảy ra trong cuộc đàm phán trần nợ, nhưng mặt khác, nền kinh tế vẫn đang khá mạnh, thị trường việc làm thực sự mạnh”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance nhận định.
Tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ, bất chấp cuộc khủng hoảng trần nợ lơ lửng và nhà đầu tư lo ngại về lạm phát còn cao - nhân tố làm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất trong năm nay. S&P 500 hiện còn cách không xa mức chủ chốt 4.200 điểm.
Dù xu thế tăng của cổ phiếu công nghệ có thể tiếp diễn, một số chuyên gia cho rằng thị trường cần thêm chất xúc tác để duy trì xu hướng tăng trong dài hạn. “Nếu phần còn lại của thị trường không tham gia mua cổ phiếu công nghệ, đà tăng này sẽ sớm chấm dứt”, CEO Sylvia Jablonski của Defiance ETFs nhận định, cho rằng chất xúc tác mới có thể xuất hiện sau cuộc họp tháng 6 của Fed.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,41 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 75,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,44 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 71,99 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi các dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trong nửa sau của năm nay, trong khi nguồn cung dầu từ Canada và nhóm OPEC+ giảm trong mấy tuần gần đây. Dù vậy, lực tăng của giá dầu bị kìm hãm bởi đồng USD mạnh lên và sự thận trọng của nhà đầu tư trước khi có kết quả cuộc đàm phán trần nợ ở Washington.
Mỹ đang bước vào giai đoạn cao điểm của tiêu thụ xăng cho hoạt động lái xe trong mùa hè. Trong khi đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới có thể rơi vào tình trạng thiếu dầu trong nửa sau của năm nay, khi nguồn cung có thể vượt nhu cầu tới 2 triệu thùng/ngày.
Một nhà điều hành cấp cao của công ty giao dịch năng lượng Vitol nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới có thể tăng thêm 2 triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm nay và châu Á sẽ dẫu đầu sự tăng trưởng này. Cũng theo Vitol, tốc độ tăng trưởng nhu cầu như vậy có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung dầu và đẩy giá dầu tăng cao.
Tuần trước, giá cả hai loại dầu tăng khoảng 2%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp, khi cháy rừng ở tỉnh Alberta của Canada khiến nguồn cung dầu từ nước này bị gián đoạn một lượng lớn.
Bên cạnh đó, thị trường đã bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng từ thoả thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sau khi thoả thuận chính thức có hiệu lực từ đầu tháng này. Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, tổng lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của OPEC+ tính đến ngày 16/5 đã giảm 1,7 triệu thùng/ngày. Báo cáo cũng cho rằng đến cuối tháng 5, xuất khẩu dầu của Nga cũng sẽ giảm.
Hôm thứ Bảy vừa rồi, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại việc Nga “lách” trần giá mà nhóm này áp lên dầu thô Nga xuất khẩu. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này của G7 khiến Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - nổi giận. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc gọi cuộc họp G7 là một “hội thảo bài Trung Quốc”.
Đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Hai, với chỉ số Dollar Index lên gần mức cao nhất trong 2 tháng. Do dầu thô được định giá bằng USD nên việc đồng bạc xanh tăng giá gây áp lực giảm giá lên dầu.