Chứng khoán Mỹ nối dài chuỗi tăng điểm, giá dầu bật mạnh trở lại
Chỉ số S&P 500 đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp trong tháng này sau khi ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ năm 1970 trong nửa đầu năm nay...
Các chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục có một phiên giao dịch khởi sắc. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa tăng điểm phiên thứ 4 liên tiếp khi giới đầu tư có vẻ đón nhận những thách thức với thị trường chứng khoán sau khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy có thể sẽ có một chương trình tăng lãi suất mạnh hơn.
Sau nửa đầu năm với những đợt bán tháo mạnh do mối lo lạm phát, xung đột ở Ukraine và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, bước sang tháng 7, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến ổn định hơn.
Chỉ số S&P 500 đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp trong tháng này sau khi ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ năm 1970 trong nửa đầu năm nay. Từ đầu năm 2022, chỉ số này chưa có 5 phiên tăng điểm liên tiếp nào.
Được công bố ngày 6/7, biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 – khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm – cho thấy sự khẳng định vững chắc về ý định quyết liệt kiểm soát giá cả của ngân hàng trung ương Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức Fed cũng thừa nhận rủi ro của việc tăng lãi suất “lớn hơn dự kiến” đối với tăng trưởng kinh tế và cho rằng việc tăng thêm 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm có thể phù hợp tại cuộc họp chính sách tháng 7.
Ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, ngày hôm qua (7/7) nói rằng mối lo về suy thoái kinh tế Mỹ đang bị thổi phồng và cho biết ông ủng hộ việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9 tới.
Nhiều người xem đây là tín hiệu để tăng mua trong ngắn hạn, đặc biệt là với các cổ phiếu tăng trưởng cao vốn lao dốc mạnh trong nửa đầu năm nay. Trước đó, giới đầu tư quan ngại về triển vọng của các cổ phiếu này trong môi trường lãi suất cao.
Tâm lý này đã giúp nhiều cổ phiếu công nghệ tăng giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/7. Giá cổ phiếu Tesla tới 5,5%, còn công ty mẹ Google – Alphabet – đóng cửa tăng 3,7%. Giá cổ phiếu Affirm Holdings Inc và Avalara Inc lần lượt tăng tới 17,1% và 16,1%.
“Tôi cảm thấy dòng tiền thực sự đã bắt đầu trở lại”, Louis Ricci, trưởng bộ phận giao dịch tại Emles Advisors. nhận định. "Chẳng có lý do gì thị trường có thể giảm thêm 30% nữa. Chúng tôi cho rằng rủi ro giảm điểm là 30% nhưng cơ hội tăng điểm nhiều gấp 3-4 lần”.
Mặc dù hầu hết nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 7, nhưng dự báo về lãi suất cuối kỳ ở mức cao nhất trong năm 2023 đã giảm đáng kể trong bối cảnh mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn.
Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai quỹ Fed dự báo lãi suất cơ bản sẽ đạt mức cao nhất 3,44% vào tháng 3/2022. Trong khi đó, các dự báo trước cuộc họp tháng 6 là lãi suất cao nhất đạt khoảng 4% vào tháng 5. Hiện tại, lãi suất cơ bản của Mỹ ở mức 1,58%.
Trong một diễn biến khác, một báo cáo công bố ngày 7/7 cho thấy số lượng người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ tăng vào tuần trước và nhu cầu lao động đang chững lại với lượng lao động bị sa thải tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng vào tháng Sáu.
Báo cáo việc làm dự kiến công bố ngày 8/7 dự kiến cho thấy có thể đã có thêm 268.000 việc làm trong tháng trước, ít hơn mức tăng 390.000 của tháng 5.
Đóng cửa phiên 7/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 346,87 điểm lên 31.384,55 điểm, tương đương mức tăng 1,12%. Chỉ số S&P 500 tăng 57,54 điểm lên 3.902,62 điểm (tăng 1,5%), còn Nasdaq tăng 2,28% lên 11.621,35 điểm.
Gần như tất cả các nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều đóng cửa tăng điểm, với nhóm tăng mạnh nhất là năng lượng với 3,5% khi cổ phiếu dầu khí đồng loạt phục hồi sau khi giá dầu bật tăng trở lại từ mức thấp nhất 12 tuần của phiên hôm trước.
Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor theo dõi ngành bán dẫn tăng 4,5% trong phiên hôm qua sau khi công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 nhờ doanh thu mạnh từ mảng chip nhớ.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch 7/7, phục hồi từ mức giảm sâu của hai phiên trước đó, khi các nhà đầu tư chuyển từ mối lo suy thoái kinh tế trở lại tập trung vào mối lo nguồn cung dầu bị thắt chặt.
Dầu dầu thô Brent tăng 3,96 USD lên 104,65 USD/thùng, tương đương mức tăng 3,9%, Dầu thô WTI của Mỹ tăng 4,2 USD lên 102,73 USD/thùng, tăng 4,3%.
“Trong bối cảnh nguồn cung dầu Nga dự kiến sẽ giảm vào năm sau. Và với việc nước này có thể hết sạch các linh phụ kiện mua từ phương Tây để duy trì hoạt động của các mỏ dầu và các anước OPEC không đầu tư vào việc duy trì sản lượng, tôi sợ rằng giá dầu sẽ tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng một thời gian nữa”, Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định.
Vài tuần qua, giá dầu có xu hướng giảm khi các nhà đầu tư lo ngại suy giảm kinh tế có thể triệt tiêu nhu cầu. Trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá dầu thô Brent và WTI đều sụt xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/4. Phiên trước đó, giá dầu WTI giảm 8%, còn Brent giảm 9%.
“Những lo ngại về suy thoái tiếp tục gia tăng và điều đó rõ ràng làm dấy lên một số lo ngại về nhu cầu sụt giảm”, Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING, bình luận. “Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ cơ bản cho thấy khả năng giá dầu giảm thêm rất ít”.