Chứng khoán Mỹ tăng vọt phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu đạt đỉnh 2 tháng
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/9) khi cuộc khủng hoảng Evergrande có dấu hiệu dịu đi...
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/9), khi cuộc khủng hoảng Evergrande có dấu hiệu dịu đi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể cho việc bắt đầu rút chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Giá dầu thô cũng duy trì đà tăng và đạt mức cao nhất trong 2 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 506,5 điểm, tương đương tăng 1,48%, đạt 34.764,82 điểm. Trước đó, trong phiên ngày thứ Tư, Dow Jones đã tăng 338 điểm.
Chỉ số S&P chốt phiên với mức tăng 1,21%, đạt 4.448,98 điểm và chỉ số tăng Nasdaq tăng 1,04%, đạt 15.052,24 điểm.
Hai phiên tăng mạnh liền nhau đưa chứng khoán Mỹ chuyển từ “đỏ” thành “xanh” trong tuần này. Nếu tính từ đầu tuần, Dow Jones và S&P 500 đã tăng tương ứng 0,5% và 0,3%, còn Nasdaq tăng 0,06%.
Đầu tuần này, chứng khoán Mỹ lao dốc khi giới đầu tư toàn cầu lo ngại về nguy cơ sụp đổ của công ty bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande. Dow Jones đã “bốc hơi” hơn 600 điểm trong phiên ngày thứ Hai.
Tuy nhiên, đến phiên ngày thứ Tư, thị trường chuyển sang “xanh rực” nhờ tuyên bố của Fed sau cuộc họp chính sách tiền tệ hai ngày. Fed chỉ nói chung chung là có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản từ tháng 11 và bắt đầu nâng lãi suất từ năm 2022. Nhà đầu tư cho rằng việc Fed thắt chặt cuối cùng cũng sẽ đến, nhưng việc Fed chưa định rõ một kế hoạch cho thấy ngân hàng trung ương này còn thận trọng và tốc độ thắt chặt nhiều khả năng sẽ chậm rãi.
“Sự bấp bênh đã gia tăng trong nền kinh tế thời gian gần đây, và Fed đã truyền niềm tin cho thị trường”, chiến lược gia Charlie Ripley của Allianz Investment Management nhận định với hãng tin CNBC. “Ngoài ra, những rủi ro khác gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư như trần nợ và cuộc khủng hoảng nợ Evergrande có vẻ đang dịu đi. Điều này thúc đẩy sự ham thích rủi ro”.
Phiên này, nhà đầu tư ở Phố Wall không còn lo nhiều về vấn đề Evergrande, dù cuộc khủng hoảng của công ty bất động sản khổng lồ vẫn còn đó. Cổ phiếu được mua mạnh cho dù số liệu hàng tuần cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh hơn dự báo – một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế Mỹ đang gặp trở ngại.
Ngày thứ Tư, Evergrande đã giải quyết được việc thanh toán tiền lãi tới hạn của một lô trái phiếu Nhân dân tệ. Tuy nhiên, theo tin từ Reuters, chủ nợ trái phiếu USD của công ty này vẫn chưa nhận được hơn 83 triệu USD tiền lãi đến hạn vào ngày thứ Năm của một lô trái phiếu USD. Nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo Evergrande tìm cách tránh để xảy ra tình trạng vỡ nợ trái phiếu USD trong ngắn hạn.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa tăng 1,39%, đạt 77,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,48%, đạt 73,3 USD/thùng.
Giá dầu tăng do những dấu hiệu về nhu cầu tiêu thụ nhiên liên gia tăng, lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm, và sản lượng dầu của Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau bão trên Vịnh Mexico.
Số liệu hôm thứ Tư từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 17/9 giảm 3,5 triệu thùng, còn 414 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ tăng mạnh, các nhà máy lọc dầu ở vùng Bờ Đông của nước Mỹ đang hoạt động ở mức 93% công suất, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, theo EIA.
Ngoài ra, một số thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là liên minh OPEC+, gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng những tháng gần đây. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu đầu tư đã kéo dài nhiều năm hoặc công tác bảo trì bị chậm vì đại dịch.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq hôm thứ Tư cho biết OPEC+ sẽ cố gắng giữ giá dầu ở mức gần 70 USD/thùng khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục. Cuộc họp tiếp theo của liên minh này sẽ diễn ra vào ngày 4/10.
Theo một báo cáo của ANZ Research, giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi giá khí đốt tăng mạnh. Giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh trong những tháng gần đây do sự kết hợp của một số yếu tố, bao gồm nhu cầu gia tăng ở khu vực châu Á, lượng tồn kho khí đốt thấp, và nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt hơn bình thường so với thời điểm này hàng năm.