Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt lao dốc sau báo cáo việc làm
Dù vậy, chỉ số S&P 500 vẫn hoàn tất tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây vì thị trường tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/2), khi một báo cáo việc làm khả quan khiến nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì việc nâng lãi suất. Dù vậy, chỉ số S&P 500 vẫn hoàn tất tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây vì thị trường tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm.
Giá dầu giảm mạnh vì nỗi lo lãi suất và tâm trạng bấp bênh của nhà đầu tư trước khi châu Âu triển khai lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu tinh luyện có nguồn gốc từ Nga.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 1,04%, còn 4.136,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,59%, còn 12.006,95 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 127,93 điểm, tương đương giảm 0,38%, còn 33.926,01 điểm, cho dù cổ phiếu Apple - một thành viên chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số - chốt phiên trong trạng thái tăng.
Tuy giảm phiên này, chứng khoán Mỹ hoàn tất một tuần tăng điểm. S&P 500 tăng 1,62% trong tuần, trong khi Nasdaq tăng 3,31%. Riêng Dow Jones giảm 0,15%.
Đối với Nasdaq, đây đã là tuần tăng thứ 5 liên tiếp, nhờ xu hướng mua vào cổ phiếu công nghệ của nhà đầu tư ở Phố Wall, giúp nhóm cổ phiếu này vượt trội so với các cổ phiếu ngành khác.
Tin tốt lại là tin xấu, bản báo cáo việc làm tháng 1 tốt hơn dự báo đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và đẩy giá cổ phiếu tụt dốc. Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 517.000 công việc mới trong tháng 1, vượt xa mức dự báo 187.000 công việc mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Dow Jones.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 12 điểm cơ bản sau khi báo cáo được công bố, lên mức 3,5%.
Phiên này, Phố Wall cũng nghiền ngẫm báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 của một số công ty công nghệ lớn. Cổ phiếu Apple tăng 2,4% khi đóng cửa, đảo ngược đà giảm vào đầu phiên sau khi công ty công bố doanh thu và lợi nhuận đều không đạt dự báo.
Kết quả kinh doanh gây thất vọng khiến cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google giảm 2,8%. Cổ phiếu công ty bá lẻ trực tuyến Amazon giảm 8,4%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4, cũng do báo cáo tài chính không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu Amazon vẫn tăng 1,1% cả tuần.
Dù giảm phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn đang được hỗ trợ bởi tia hy vọng đến từ những tín hiệu gần đây cho thấy lạm phát đang giảm xuống. Nhà đầu tư cũng lạc quan hơn sau khi đón nhận phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này, khi ông nói rằng quá trình giảm lạm phát ở Mỹ đã bắt đầu.
“Tôi cho rằng thị trường đang tiến gần hơn tới quan điểm của chúng tôi là lạm phát đang giảm nhanh. Các mô hình của Fed thật tệ. Trước đây, họ dự báo sai về sự leo thang của lạm phát. Giờ đây, họ lại bỏ lỡ sự giảm lạm phát”, CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Management nhận định với hãng tin CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,43 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 79,74 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,66 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, còn 73,22 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của 2 loại dầu trong vòng hơn 3 tuần trở lại đây.
Cũng như đối với giá cổ phiếu, báo cáo việc làm tốt hơn dự báo đã gây áp lực giảm lên giá dầu. “Thị trường không thể quyết định được là nên lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế hay nên lo về sự quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tăng lãi suất.
Nhà phân tích Priyanka Sachdeva của Phillip Nova nói rằng việc tăng lãi suất trong năm 2023 có thể gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ và châu Âu, đẩy cao mối lo về sự giảm tốc kinh tế có thể làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Thị trường đang chờ những diễn biến mới xung quanh lệnh cấm nhập khẩu mà Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp lên các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga. Theo dự kiến, lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2. Về phần mình, điện Kremlin nói lệnh cấm như vậy sẽ dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
“Các chi tiết cụ thể về lệnh cấm, bao gồm trần giá sẽ là bao nhiêu và sẽ được thực thi như thế nào, vẫn còn chưa rõ ràng”, nhà kinh tế học Bill Weatherburn của Capital Economics nhận định, cho rằng sự bấp bênh đang gây áp lực giảm lên giá dầu. “Bên cạnh đó, còn chưa có bất kỳ dữ liệu nào từ Trung Quốc cho thấy mức độ hồi phục nhu cầu dầu thô của nước này”.
Một báo cáo của ngân hàng ANZ nói rằng giao thông ở 15 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng cũng nói rằng các nhà giao dịch Trung Quốc hoạt động “tương đối ít” trên thị trường dầu quốc tế ở thời điểm hiện tại.