Chứng khoán Trung Quốc: Cú lao dốc 2 nghìn tỷ USD khiến nhà đầu tư ngoại "xanh mặt"

Đức Anh
Chia sẻ

40% nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cổ phiếu Trung Quốc hiện “không thể đầu tư” ở thời điểm hiện tại...

Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bào món sau 3 năm thua lỗ thê thảm - Ảnh: Reuters
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bào món sau 3 năm thua lỗ thê thảm - Ảnh: Reuters

Tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn đà lao dốc chứng khoán. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng không ngăn được cơn bán tháo đến nay đã “thổi bay” gần 2 nghìn tỷ USD vốn hóa của thị trường so với mức đỉnh năm 2021. Với nhiều nhà đầu tư tại một hội nghị mới đây của ngân hàng Goldman Sachs ở Hồng Kông, cam kết trên là “quá muộn màng”.  

Theo kết quả một cuộc khảo sát với sự tham gia các nhà đầu tư tham dự hội nghị ngày 31/1 của ngân hàng Mỹ, 40% người được hỏi đánh giá cổ phiếu Trung Quốc hiện “không thể đầu tư”. Hội nghị này diễn ra chỉ một ngày sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) công khai kêu gọi “thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhằm ổn định thị trường và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư”.

“Nhiều nhà đầu tư ở Hồng Kông lựa chọn quay lưng với cổ phiếu Trung Quốc”, ông Timothy Moe, chiến lược gia về chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, cho biết và nhận xét kết quả khảo sát càng cho thấy những khó khăn của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo đánh giá của các nhà giao dịch, quản lý tài sản và quỹ đầu cơ trong khảo sát của tờ báo Financial Times, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bào món sau 3 năm thua lỗ thê thảm, dù có thời điểm tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa bởi các đợt phục hồi chóng vánh.

Cái nhìn thiếu thiện cảm của nhà đầu tư quốc tế với cổ phiếu Trung Quốc càng thêm trầm trọng trong 12 tháng qua khi nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm, khủng hoảng bất động sản kéo dài, sự hỗ trợ kém hiệu quả của Chính phủ, cũng như căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tất cả những điều này khiến chỉ số MSCI Trung Quốc hiện đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh thiết lập vào đầu năm 2021, theo đó, "thổi bay" hơn 1,9 tỷ USD vốn hóa thị trường.

“Các nhà đầu tư quốc tế mà chúng tôi tiếp xúc đều đang cân nhắc rút khỏi Trung Quốc”, ông Moe của Goldman Sachs cho biết.

Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh đầu năm 2021, tương đương hơn 1.900 tỷ USD vốn hóa đã "bốc hơi" - Nguồn: LSEG/FT
Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh đầu năm 2021, tương đương hơn 1.900 tỷ USD vốn hóa đã "bốc hơi" - Nguồn: LSEG/FT

Điều này hoàn toàn ngược lại với thái độ với cổ phiếu Trung Quốc chỉ vài năm trước, khi các nhà đầu tư nước ngoài lo sẽ bỏ lỡ cơ hội lượt sóng tăng trưởng kinh tế nhanh và thị trường tiêu dùng nội địa mạnh mẽ với các nền tảng thương mại điện tử phát triển chóng mặt của quốc gia này.

Giờ đây, các nhà đầu tư đánh giá lập trường chú trọng vào sự ổn định và an ninh quốc gia của Bắc Kinh đã kìm hãm các tâp đoàn công nghệ từng tăng trưởng như vũ bão, đồng thời đẩy nhanh quá trình phân ly với Mỹ. Trong khi đó, nỗ lực dịch chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc vào bất động sản đã gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kéo tụt lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty niêm yết.

Các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu Trung Quốc qua chương trình kết nối chứng khoán ở Hồng Kông tháng trước đã bán ròng 11,8 tỷ nhân tệ. Đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong tháng đầu tiên của một năm kể từ khi chương trình này bắt đầu hoạt động vào năm 2014.

Dù vậy, đà lao dốc của thị trường đã đẩy giá trị vốn hóa của công ty niêm yết tại Trung Quốc xuống mức đủ thấp để một số ngân hàng Mỹ kêu gọi nhà đầu tư quay trở lại đây. Ngân hàng JPMorgan dự báo chỉ số MSCI Trung Quốc – từ đầu năm nay đã giảm khoảng 10% – sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 66 điểm. Con số này cao hơn khoảng 30% so với mức điểm đóng của của chỉ số này phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.

Theo các nhà giao dịch tại Hồng Kông, một nhóm nhỏ nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm bắt sóng phục hồi của thị trường. Nhóm này đã gián tiếp rót vốn thông qua các hợp đồng quyền chọn trong vài tuần gần đây. Trên thực tế, dù lao dốc mạnh, Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 25% chỉ số MSCI Emerging Markets của các thị trường mới nổi, do đó nhà đầu tư khó có thể quay lưng hoàn toàn với thị trường này.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra quan ngại về những rủi ro như khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung do vấn đề Đài Loan, hay chính sách ngoại giao cứng rắn hơn của Washington nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng năm nay.

“Nhà đầu tư nước ngoài lo sợ rằng những rủi ro đó có thể dễ dàng đảo ngược mọi cơn sóng phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc”, ông George Livadas, quản lý quỹ đầu cơ Upslope Capital, cho biết. “Căng thẳng giữa hai cường quốc này không phải là loại bất đồng nho nhỏ. Đây thực sự là một rủi ro lớn”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con