Chuyên gia: Áp giá trần dầu Nga sẽ làm "thay đổi cán cân quyền lực" giữa OPEC và phương Tây
"Các nước phương Tây càng có nhiều công cụ để can thiệp thị trường dầu khí thì OPEC càng khó duy trì giá dầu và đòn bẩy chính trị của mình"...
Theo ông Karim Fawaz, giám đốc bộ phận cố vấn năng lượng tại S&P Global, việc áp giá trần lên dầu Nga có thể gây ra tác động lớn đối với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Ông cho rằng OPEC tỏ ra quan ngại về giá trần và xem đây như một bài kiểm tra đối với các nỗ lực gây ảnh hưởng tới thị trường trong tương lai của mình.
Bình luận của nhà phân tích năng lượng này được đưa ra sau cuộc họp của OPEC+ (liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga) hôm thứ Tư tuần trước tại Vienna, Áo. Tại cuộc họp này, OPEC+ đã thống nhất giảm hạn ngạch sản lượng dầu mỏ 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của liên minh này kể từ tháng 4/2020.
Giá dầu thô đã tăng vọt và giữ trên 100 USD/thùng trong nhiều tháng do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, giá dầu đã giảm hơn 30% do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu dầu.
Theo các nhà phân tích, động thái của OPEC+ cho thấy tổ chức này có ý định giữ giá dầu ở mức cao, nhằm phản ứng với kết hoạch áp giá trần đối với dầu Nga của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU).
G7 và EU đang đẩy nhanh kế hoạch giá trần, dự kiến áp dụng từ tháng 12 tới, nhằm ngăn chặn một cú sốc về nguồn cung, đồng thời hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga.
Tuy nhiên, theo ông Fawaz, các chi tiết về giá trần dù hiện chưa được quyết định cụ thể nhưng đang khiến OPEC phải lo lắng.
“Một mức trần giá hiệu quả sẽ mang lại cho các khách hàng lớn của dầu Nga (cụ thể là phương Tây) một công cụ đối ngoại hữu dụng và đã qua kiểm nghiệm. Công cụ này có thể thay đổi cán cân quyền lực đã được định hình trên thị trường dầu khí nhiều thập kỷ qua”, vị chuyên gia giải thích.
Ông Fawaz cũng nhận định giá trần là một giải pháp hấp dẫn hơn so với áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp hoặc nhắm trực tiếp vào dòng chảy dầu. Biện pháp này sẽ nối tiếp động thái xả kho xăng dầu dự trữ chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn giá dầu tăng.
“Các nước phương Tây càng có nhiều công cụ để can thiệp thị trường dầu khí thì OPEC càng khó giữ giá dầu và đòn bẩy chính trị của mình”, ông phân tích. “Các biện pháp trừng phạt và trần giá đối với một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể giúp duy trì dòng chảy dầu, nhưng mức giá do Washington cùng G7 đặt ra sẽ làm thay đổi lằn ranh đỏ bất thành văn”.
EU tuần trước đã thông qua việc áp dụng cơ chế trần giá lên dầu Nga như một phần trong gói trừng phạt mới nhằm vào Moscow, nhưng một số khách hàng lớn của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đứng ngoài, làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của cơ chế này.
“Dù có thể không hiệu quả, cơ chế này cho thấy nỗ lực sáng tạo của các nước phương Tây trong việc phát triển các công cụ ngoại giao mới và điều này thực sự khiến OPEC phải lo lắng”, ông Fawaz nhận định. “Nhìn rộng hơn, thị trường dầu khí đang được tái cấu trúc, các mối quan hệ thương mại và chính trị đang được định hình lại và luật chơi đang thay đổi. OPEC rõ ràng không thích hướng đi này nhưng việc họ tìm cách lội ngược dòng có thể chỉ càng khiến mọi thứ được đẩy nhanh hơn”.