Có 16 doanh nghiệp giãn nợ thành công sau Nghị định 08
Nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khi Nghị định 08 được ban hành, trong đó có 15 doanh nghiệp phát hành trên 26 nghìn tỷ đồng, 16 doanh nghiệp đàm phán thành công gần 8 nghìn tỷ trái phiếu đến hạn...
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28-05-2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng để thị trường trái phiếu hoạt động trở lại ổn định và phát triển bền vững, còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt liên quan đến những tiêu chuẩn của thị trường.
THANH KHOẢN RỤC RỊCH PHỤC HỒI, NIỀM TIN DẦN TRỞ LẠI
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08), chính thức được ban hành, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường.
Ở một khía cạnh khác, sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn.
"Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu 7,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, có một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…
Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng nhà đầu tư đàm phán, gia hạn, chuyển đổi tài sản… thành công.
Một điểm nữa, Nghị định 08 cho phép ngưng thi hành điều kiện mới về các nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng trái phiếu hết năm 2023. Quy định này được đánh giá là giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (Nghị định số 65).
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau khi có Nghị định 65 và Nghị định 08, nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
TẤT BẬT GỠ KHÓ VÀ KHẮC HOẠ RÕ NHỮNG TIÊU CHUẨN CHO THỊ TRƯỜNG
Nhìn lại sự phát triển bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thị trường bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và nhanh chóng đạt được quy mô khoảng 1,2 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2022.
Tuy nhiên, những tác động khó lường nửa cuối của năm 2022 và cho đến thời điểm gần đây cũng tác động đến doanh nghiệp phát hành, quá trình sản xuất gặp khó khăn, dòng tiền gặp khó và gây nhiều áp lực đến việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà phát hành, khiến thị trường trái phiếu lao đao thời gian qua.
Thị trường của chúng ta rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và chắc chắn các chủ thể trong thị trường này cũng non trẻ, kể cả là các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến bản thân các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Nhìn lại những nguyên nhân, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ một số giải pháp chính yếu, để vực dậy và phát triển thị trường bền vững, minh bạch hơn thời gian tới.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỷ giá, lạm phát… thông qua điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.
Thứ hai, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu, ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn.
Thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành các chính sách và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra hai Nghị định số 65 và Nghị định số 08.
Những quy định pháp lý mới nhất như vậy kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan… trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Đặc biệt, Nghị định 65 cũng khắc hoạ rõ nét các tiêu chuẩn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, một là, nhà đầu tư tham gia vào thị trường phải ký cam kết là hiểu tất cả những vấn đề liên quan đến trái phiếu tham gia đầu tư và chấp nhận rủi ro khi quyết định đầu tư.
Hai là, Nghị định 65 cũng quy định định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có báo cáo được kiểm toán bởi một cơ quan kiểm toán độc lập, xác nhận tiền thu được từ trái phiếu sử dụng vào mục đích công bố với nhà đầu tư.
Đây là quy định phù hợp, rõ ràng, đảm bảo sự minh bạch của doanh nghiệp phát hành với cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn của trái phiếu, các hình thức có thể phát hành như bằng bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh từ bên thứ ba, bằng tài sản đảm bảo được quy định rõ từ Nghị định 153.
Ba là, về xác lập hệ số tín nhiệm, trong Nghị định 65 nêu rõ doanh nghiệp phát hành phải có đánh giá hệ số tín nhiệm từ một bên cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, tình hình cung cấp dịch này của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Nghị định số 08 chính thức tạm ngưng quy định này trước mắt là đến 31/12/2023.
Thứ ba, Chính phủ có chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế…, để gỡ khó khăn với các doanh nghiệp phát hành trong các lĩnh vực, nhất là bất động sản và xây dựng.
Những giải pháp này là những giải pháp tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.
Thứ tư, các cơ quan chức năng của Nhà nước thời gian vừa qua cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện.
Thứ năm, về truyền thông, trong suốt hơn 1 năm vừa qua, công tác truyền thông về trái phiếu doanh nghiệp, truyền thông chính sách có những bước tiến tốt. Trên cơ sở đó, chúng ta nâng cao nhận thức của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, từ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ và ngay bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận thức một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn về thị trường này.
Ngoài ra, vẫn phải tiếp tục làm và làm tốt hơn, thậm chí phải đào tạo cho thị trường một bản lĩnh vững vàng. Tất cả các chủ thể khi tham gia thị trường cùng đón nhận lợi ích và chia sẻ rủi ro, khi đó chúng ta có một thị trường trái phiếu thực sự phát triển ổn định, bền vững. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững.