Bộ Tài chính lại nhắc nhở doanh nghiệp thanh toán lãi, gốc trái phiếu đúng cam kết
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được "tưới mát" trở lại sau khi Nghị định 08 được ban hành. Trong bối cảnh thị trường có những tín hiệu khởi sắc bởi khối lượng phát hành gia tăng trở lại bên cạnh áp lực đáo hạn năm 2023 vẫn khá căng thẳng, Bộ Tài chính liên tục nhắc nhở doanh nghiệp về nghĩa vụ thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư theo đúng cam kết...
Ngày 14/4, Bộ Tài chính phát đi thông tin liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo này, thời gian vừa qua, một số vụ việc vi phạm trong phát hành trái phiếu đã gây tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo đó, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều và khối lượng mua trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính và khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
"Trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường; tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản có thể chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu", Bộ Tài chính nhìn nhận.
Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, gần đây nhất, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 (Nghị định 08) về sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhanh chóng được ban hành để "tưới mát" thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian xây dựng phương án tái cơ cấu nợ và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo quy định tại Nghị định 08, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022.
Nghị định 08 cũng ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về 3 nội dung: xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, các quy định này của Nghị định 65 sẽ được triển khai từ ngày 01/01/2024.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), Nghị định được ban hành trong bối cảnh cần phải tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Đáng lưu tâm, bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08 nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Dương, cho rằng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, điều quan trọng là từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, "doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu", ông Dương yêu cầu.
Đặc biệt, doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.
"Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Dương nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý 1, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 24.708 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08 có hiệu lực lên đến 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm.
Trong đó, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.