Có gì trong bài phát biểu ngắn của Chủ tịch Fed khiến thị trường rúng động?

An Huy
Chia sẻ

"Thất bại trong việc lập lại ổn định giá cả còn đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn”, ông Powell nói trong bài phát biểu được giới đầu tư toàn cầu dõi theo vào ngày 26/8...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell  ngày 26/8 đưa ra cam kết cứng rắn về việc chặn đà leo thang của lạm phát ở Mỹ, nói rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng thời cảnh báo việc này sẽ gây ra “một chút đau” cho nền kinh tế Mỹ.

Trong bài phát biểu thường niên về chính sách tiền tệ tại hội nghị của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, ông Powell khẳng định Fed sẽ “sử dụng các công cụ của chúng tôi một cách mạnh mẽ” để chống lại lạm phát đang ở gần mức cao nhất hơn 40 năm ở Mỹ.

CẢNH BÁO VỀ “NỖI ĐAU LỚN HƠN”

Kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới nay, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với tổng mức tăng 2,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu lên gần ngưỡng trung tính (neutral) - mức lãi suất không có tác dụng kích thích và cũng không gây hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông Powell nói rằng “giờ chưa phải là lúc dừng hay tạm dừng”.

 

“Chúng tôi đang theo đuổi một lập trường chính sách đủ cứng rắn để đưa lạm phát về 2%”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

“Lãi suất tăng lên, lạm phát giảm xuống, và các điều kiện trên thị trường lao động yếu đi sẽ kéo lạm phát xuống, nhưng cũng sẽ mang đến một chút đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông Powell nói trong bài phát biểu được giới đầu tư toàn cầu dõi theo. “Đây là những tổn thất không mong muốn của việc giảm lạm phát. Nhưng thất bại trong việc lập lại ổn định giá cả còn đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn”.

Bài phát biểu được ông Powell đưa ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có vẻ đã qua đỉnh nhưng chưa giảm mạnh. Hai chỉ số lạm phát được theo dõi chặt chẽ, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cùng giảm nhẹ trong tháng 7, nhưng sự giảm này đều xuất phát từ việc giá năng lượng sụt giảm thay vì một sự giảm giá trên diện rộng trong nền kinh tế.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ đang phát đi nhiều tín hiệu giảm tốc. Thị trường nhà đất giảm đặc biệt mạnh và các chuyên gia kinh tế dự báo rằng sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường lao động trong vòng 1 năm rưỡi qua có thể sắp rơi vào tình trạng đuối sức.

Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh rằng Fed tập trung vào các dữ liệu sâu và rộng thay vì các con số thống kê của 1-2 tháng. Ông nói Fed sẽ tiếp tục cứng rắn trong chính sách tiền tệ cho tới khi lạm phát giảm về gần mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra trong dài hạn.

“Chúng tôi đang theo đuổi một lập trường chính sách đủ cứng rắn để đưa lạm phát về 2%”, ông Powell nhấn mạnh. Nói về tương lai, ông Powell phát biểu thêm rằng “việc lập lại ổn định giá cả có thể đòi hỏi duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn trong một thời gian. Những gì đã diễn ra trong lịch sử là lời cảnh báo về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm”.

Nền kinh tế Mỹ vừa trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp - diễn biến đáp ứng định nghĩa kỹ thuật về suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell và hầu hết các chuyên gia kinh tế khác đều cho rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn đang mạnh dù tăng trưởng giảm tốc.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức cấp cao của Fed tại Jackson Hole ngày 26/8 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức cấp cao của Fed tại Jackson Hole ngày 26/8 - Ảnh: Reuters.

“Về bản chất, ông Powell đang khẳng định rõ ràng rằng ở thời điểm này, chống lạm phát quan trọng hơn hỗ trợ tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach của LPL Financial phát biểu.

Theo hãng tin CNBC, bài phát biểu này của ông Powell ngắn gọn bất thường. Tại các kỳ đại hội thường niên của Fed ở Jackson Hole trước đây, các nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương này, bao gồm cả ông Powell, thường có bài phát biểu dài và chi tiết về chính sách tiền tệ. Lần này, ông Powell chỉ nói trong khoảng 8 phút.

Mở đầu, ông Powell nói ngay rằng “bài phát biểu này sẽ ngắn hơn, trọng tâm của tôi sẽ hẹp hơn, và thông điệp của tôi sẽ trực tiếp hơn”.

“Ổn định giá cả là trách nhiệm của Fed và giữ vai trò là hòn đá tảng cho nền kinh tế của chúng ta”, ông Powell nhấn mạnh. “Không có ổn định giá cả, nền kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.

BÀI HỌC LỊCH SỬ VỀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Thị trường đang chờ xem Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 hay 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9. Ông Powell nói quyết định này “sẽ tuỳ thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp tới và diễn biến trong triển vọng của nền kinh tế. Vào một thời điểm nào đó, khi lập trường chính sách tiền tệ đã trở nên thắt chặt hơn, sẽ là phù hợp nếu Fed giãn tiến độ tăng lãi suất”.

 

Lạm phát cách đây 40 năm mang lại cho Fed hiện tại 3 bài học gồm: các ngân hàng trung ương như Fed có trách nhiệm quản lý lạm phát; các kỳ vọng rất quan trọng; và cần duy trì thắt chặt cho tới khi đạt mục tiêu khống chế lạm phát.

Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nghiêng nhẹ về khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Sau bài phát biểu của ông Powell, khả năng Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng tới là 54,5% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Theo ông Powell, Fed lấy bài học từ quá khứ để định hình chính sách tiền tệ hiện nay. Cụ thể, ông nói rằng lạm phát cách đây 40 năm mang lại cho Fed hiện tại 3 bài học gồm: các ngân hàng trung ương như Fed có trách nhiệm quản lý lạm phát; các kỳ vọng rất quan trọng; và cần duy trì thắt chặt cho tới khi đạt mục tiêu khống chế lạm phát.

Ông Powell lưu ý rằng việc Fed không hành động quyết liệt vào thập niên 1970 đã dẫn tới kỳ vọng lạm phát tăng chóng mặt và hệ quả là những đợt tăng lãi suất “kinh hoàng” vào đầu thập niên 1980. Khi đó, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã buộc phải đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái mới khống chế được lạm phát.

Một lần nữa, ông Powell không cho rằng suy thoái là tất yếu đối với kinh tế Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát lần này. Tuy nhiên, ông nói việc quản lý các kỳ vọng là cực kỳ quan trọng nếu Fed muốn tránh sự lặp lại của những gì đã diễn ra trong thời Chủ tịch Fed Volcker.

Vào đầu thập niên 1980, “một thời kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ và kéo dài là yếu tố cần thiết để chặn lạm phát cao và bắt đầu quy trình kéo lạm phát về mức thấp và ổn định. Mức lạm phát thấp và ổn định đó đã trở thành điều quen thuộc ở Mỹ cho tới mùa xuân năm ngoái. Mục tiêu của chúng tôi là tránh phải làm như vậy, nên ngay từ giờ, chúng tôi phải quyết tâm hành động”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con