Có Luật An ninh mạng, "doanh nghiệp sẽ có ý thức cung cấp thông tin"
Thượng tướng Võ Trọng Việt "xin giữ như dự thảo" quy định về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng Việt trên lãnh thổ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài
Giải trình ý kiến đại biểu sau phiên thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng sáng 29/5 của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, khi có luật thì doanh nghiệp sẽ có ý thức cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng.
Ông Việt là Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh, cơ quan thẩm tra dự án luật, cũng là người trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trước khi đại biểu thảo luận lần cuối tại kỳ họp này.
Một trong những nội dung được ông Việt giải trình liên quan đến quy định tại điều 26: cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Về vấn đề này, phiên thảo luận ghi nhận những quan điểm rất khác nhau. Một số vị cho rằng quy định này không những không khả thi mà còn tạo ra nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam.
Một số vị khác lại khẳng định quy định nói trên là cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khẳng định quy định tại điều 26 không vi phạm các hiệp định đã ký kết, Tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh an ninh mạng, không gian mạng trong thời gian vừa qua và sắp tới rất phức tạp và ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng ở Bộ Quốc phòng. "Đây là vấn đề hết sức quan trọng và kẻ địch đang lợi dụng và triệt để lợi dụng việc này để chống phá ta thì không có lý do gì mà chúng ta lại buông lỏng việc này", ông Việt nói.
Theo Chủ nhiệm Việt thì trong luật cũng quy định rất rõ dữ liệu được yêu cầu lưu trữ chỉ liên quan đến quốc phòng, liên quan đến an ninh, chứ không phải tất cả.
Ông Việt nêu thực tế qua khảo sát, giám sát thì khả năng lưu giữ dữ liệu của doanh nghiệp có thể thực hiện được, "có điều người ta có thiện chí cung cấp cho ta hay không".
Lâu nay không có quy định trong luật, cho nên việc cung cấp (dữ liệu -PV) là tùy thích, ưng thì cung cấp, không ưng thì không cung cấp, nếu người ta cung cấp sẽ rất tốt cho cơ quan chức năng để xử lý, đấu tranh trên phạm vi cả nước, nếu họ không thiện chí mình rất khó khăn, thậm chí là bó tay, ông Việt phản ánh.
Vì thế, theo ông thì phải đặt mình vào vị trí cơ quan chức năng để "chia sẻ cho anh em".
"Thời gian vừa qua, chúng tôi đi giám sát thấy rất vất vả cho cơ quan chức năng về việc này, nhiều chuyên án, vụ án bế tắc cũng từ việc này", ông Việt nói.
Theo ông, nếu quy định trong luật thì có cơ sở pháp lý để buộc doanh nghiệp phải chấp hành tốt việc cung cấp dữ liệu. Các nhà doanh nghiệp, các nhà làm dịch vụ cũng có ý thức, công dân cũng có ý thức, đó là điều tốt.
Lý do nữa để luật hoá quy định nói trên được ông Việt nêu là hiện nay có 18 nước đã quy định lưu giữ dữ liệu trong phạm vi trong nước.
"Tôi đi tiếp xúc với các đại sứ nước ngoài, cả Châu Âu và Hoa Kỳ, thực chất nước Mỹ cũng quy định địa phương hóa giữ liệu", ông Việt nói tiếp.
Cuối cùng, Tướng Việt "báo cáo Quốc hội là xin giữ như dự thảo" quy định về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Kết thúc phiên thảo luận, về quy định tại điều 26, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ tính hợp lý, cụ thể, khả thi để đảm bảo quy định tại dự luật phát huy trên thực tế, không áp dụng tùy tiện làm ảnh hưởng đến quyền truy cập thông tin của người dân bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế.
Theo nghị trình sáng 12/6 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Trước khi bấm nút, Quốc hội sẽ chỉ nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật chứ không tiến hành thảo luận nữa.