Cổ phiếu chứng khoán tiếp tục thăng hoa, VIC “cân” cả nhóm ngân hàng lao dốc
VN-Index đã kịp quay đầu vượt tham chiếu từ khoảng 11h, nhờ công lớn của VIC phục hồi giá. VN30-Index vẫn đang rớt lại đằng sau, trong khi nhóm Midcap và Smallcap tăng bùng nổ...
VN-Index đã kịp quay đầu vượt tham chiếu từ khoảng 11h, nhờ công lớn của VIC phục hồi giá. VN30-Index vẫn đang rớt lại đằng sau, trong khi nhóm Midcap và Smallcap tăng bùng nổ.
Độ rộng mạnh mẽ trên toàn sàn HoSE nói chung và ở hai rổ cổ phiếu vừa và nhỏ nói riêng cho thấy thị trường vẫn đang giao dịch tốt và ổn định. Ngay cả VN30 đang giảm 0,13% thì số mã giảm cũng chỉ là 18, số tăng 11, không quá chênh lệch.
Vấn đề còn lại hẳn là ở cổ phiếu trụ. TCB sụt giảm mạnh 0,78%, MSN giảm 1,16%, MBB giảm 1,07%, HDB giảm 1,19% là những mã đang khiến VN30 mất điểm nhiều nhất. Trong khi đó các cổ phiếu này ảnh hưởng không quá nhiều với VN-Index.
Nhìn chung VN30 đang bị tác động mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. BID là mã duy nhất trong 10 cổ phiếu ngân hàng thuộc rổ này còn tăng giá nhẹ 0,11%. Không chỉ vậy, trên tất cả các sàn, cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá áp đảo. Ngoài BID, chỉ còn NVB, BVB là tăng giá trong nhóm, 22 mã khác đều giảm. May mắn còn sót lại là các trụ lớn chưa mất giá nhiều: VCB giảm nhẹ 0,11%, CTG giảm 0,72%, VPB giảm 0,14%...
Tăng giá nổi bật trong nhóm trụ sáng nay là VIC, cổ phiếu vừa bị coi là “tội đồ” hồi đầu tháng khi bốc hơi hơn 15% tính đến phiên cuối tuần trước. Sáng nay VIC quay đầu tăng 1,34%, trở thành mã kéo điểm số tốt nhất.
Đà phục hồi của VIC cũng không hề dễ dàng. Tuy lên giá ngay từ đầu nhưng giữa phiên VIC cũng có một đợt xả khá mạnh. Nhịp trượt này đẩy giá từ 83.800 đồng tụt về 82.700 đồng, tương đương trả lại khoảng 1,4% điểm tăng. Đây cũng là lý do VN-Index có nhịp thứ hai bị “nhúng” xuống dưới tham chiếu, trước khi VIC phục hồi kéo tăng trở lại cuối phiên.
Trong bối cảnh các cổ phiếu ngân hàng đang bị chốt lời ngắn hạn, cổ phiếu dầu khí gặp khó khi giá dầu điều chỉnh giằng co, VIC tìm được vùng giá cân bằng là một diễn biến tích cực cho thị trường, hoặc ít nhất là cho chỉ số. Tính về giá đóng cửa thấp nhất thì VIC có đáy 81.700 đồng hôm 11/2, nếu tính theo giá thấp nhất thì đáy là 80.700 đồng hôm 14/2. Hiện cổ phiếu này đang đứng tại 83.300 đồng, tức là cũng thể hiện khả năng giữ giá, ít nhất nếu không thủng mức thấp vừa qua. Do đó VIC đang được bắt đáy khá tốt, nước ngoài giảm bán đáng kể.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sáng nay tiếp tục giao dịch nổi bật là phần bù cho nhóm ngân hàng trong rổ cổ phiếu tài chính nói chung. Khá nhiều blue-chips nhóm chứng khoán tăng rất tốt như SSI tăng 2,1%, VCI tăng 2,98%, VND tăng 4,85%, HCM tăng 2,78%... Nhóm chứng khoán nhỏ thậm chí tăng trên 5% như APS, BMS, SBS, AAS, TCI, FTS, VFS. SSI và VND lọt Top 10 thanh khoản cả 3 sàn với 357 tỷ đồng và 321,4 tỷ đồng giá trị khớp lệnh.
Độ rộng sàn HoSE vẫn duy trì rất tốt với 254 mã tăng/165 mã giảm, trong đó 164 mã tăng trên 1% và chỉ 40 mã giảm trên 1%. Như vậy cổ phiếu vẫn đang diễn biến tốt bất chấp VN-Index trồi sụt và hiện chỉ tăng nhẹ 0,26% so với tham chiếu, tương đương 3,88 điểm.
Nhóm vốn hóa nhỏ đang có độ nóng cao hơn cả, chỉ số đại diện tăng 1,9%, độ rộng tốt nhờ 141 mã tăng/53 mã giảm. 8 mã trong rổ này kịch trần và tất cả đều mất thanh khoản chiều mua. NBB, HDC, HHS, HAR đang là các mã thanh khoản tốt nhất, đều trên 20 tỷ đồng khớp lệnh. Ngoài nhóm trần, còn khoảng 63 mã khác của rổ tăng trên 2%.
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cũng có sự phục hồi rõ nét. Mức khớp lệnh đạt 15.233 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng thời điểm phiên trước. HoSE tăng khoảng 7%, đạt 13.654 tỷ đồng. Đây là phiên sáng mạnh nhất 8 ngày giao dịch gần nhất ở sàn này.
Khối ngoại tiếp tục giữ nhịp mua ròng khá ổn, sáng nay mua tiếp 164,5 tỷ đồng ròng nữa trên HoSE. Tuần trước riêng cổ phiếu HoSE được mua ròng ấn tượng gần 1,58 ngàn tỷ đồng. VHM, KBC, DXG, TPB, VND là những mã được mua ròng trên 20 tỷ đồng sáng nay, trong khi bán ròng lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 72 tỷ đồng.