Cổ phiếu hàng hóa đồng loạt giảm, cầu bắt đáy xuống tiền
Thị trường hàng hóa thế giới quay đầu giảm mạnh đêm qua, đặc biệt là giá dầu rơi hơn 12%, báo hiệu một phiên khó khăn của nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản. Từ dầu khí, phân bón đến thép, than... đều sụt giảm mạnh, nhưng áp lực bán cũng không nhiều...
Thị trường hàng hóa thế giới quay đầu giảm mạnh đêm qua, đặc biệt là giá dầu rơi hơn 12%, báo hiệu một phiên khó khăn của nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản. Từ dầu khí, phân bón đến thép, than... đều sụt giảm mạnh, nhưng áp lực bán cũng không nhiều.
Xung đột Nga – Ukraine vẫn không có tín hiệu hạ nhiệt, các lệnh trừng phạt lẫn nhau vẫn căng thẳng. Giá dầu giảm chủ yếu do thông tin UAE ủng hộ việc tăng sản lượng. Tuy nhiên những thông tin này gây biến động trên thị trường tương lai (giao dịch các hợp đồng dầu), hơn là phản ánh thực tế cung cầu thị trường.
Giá dầu đến phiên châu Á đã phục hồi trở lại. Dầu WTI tăng hơn 2% lên gần 111 USD/thùng, dầu Brent tăng 3,5% lên trên 115 USD/thùng. Cổ phiếu dầu khí trải qua cú sốc giá khá lớn ngay đầu phiên: GAS giảm 4,42% so với tham chiếu lúc 9h35, PLX giảm 3,33% lúc thấp nhất, PVS giảm 7,11%, PVC giảm 9,88%, PVD giảm 5,26%...
Mặc dù giảm giá rất mạnh nhưng lực bán ở cổ phiếu dầu khí không mạnh. Bằng chứng là thanh khoản rất thấp ở chiều giảm. Lực cầu tăng dần lên đã nâng đáy tất cả các mã dầu khí. Chốt phiên sáng, GAS chỉ còn giảm 2,29%, PLX giảm 1,9%, PVS giảm 2,79%, PVC giảm 0,58%, PVD giảm 2,38%... Như vậy nhóm dầu khí cũng đang được bắt đáy.
Các nhóm cổ phiếu hàng hóa “hot” thời gian này như phân bón, thép, than, khoáng sản... cũng đều biến động mạnh tương tự dầu khí: Giảm sốc ngay đầu phiên khi một bộ phận nhà đầu tư chốt lời theo biến động thế giới, sau đó cầu bắt đáy hồi dần lên. DCM từ chỗ giảm 3,37% thậm chí đã quay đầu tăng 1,01%. DPM từ giảm 3,89% co lại còn giảm 0,61%. HPG đang giảm 0,4%, HSG giảm 1,21%, NKG giảm 0,39%...
Việc giá các cổ phiếu hàng hóa cơ bản đã tăng rất mạnh khiến những nguy cơ bị chốt lời luôn thường trực. Thị trường hôm nay lại cộng hưởng thêm cả biến động bên ngoài, nên nhu cầu thoát ra là bình thường. Tuy nhiên các thị trường tương lai vẫn luôn phản ứng nhạy cảm với thông tin, hơn là phản ánh thay đổi thực sự trên thị trường hàng hóa. Hiện Nga vẫn chưa đưa ra các biện pháp đáp trả cụ thể, các lệnh trừng phạt được tuyên bố công khai sẽ không có thời điểm hết hạn. Nói cách khác, các yếu tố hỗ trợ giá hàng hóa tăng phi mã vẫn còn nguyên. Thị trường tương lai hàng hóa cũng chỉ là một thị trường đầu cơ thông thường và cũng có nhu cầu chốt lời như bất kỳ thị trường đầu cơ nào khác. Không phải nhà đầu tư nào nắm giữ một hợp đồng dầu thô cũng sẵn sàng nhận dầu vật chất.
Chứng khoán toàn cầu đêm qua tăng tưng bừng và các cổ phiếu “truyền thống” trong nước cũng phục hồi mạnh trở lại. VIC tăng 2,44%, mạnh nhất 7 phiên và trở thành trụ khỏe nhất của VN-Index. VHM tăng 1,49%, VNM tăng 1,86%, SAB tăng 2,39%. Nhóm ngân hàng cũng đóng góp BID tăng 2,47%, MBB tăng 2,44%, CTG tăng 1,25%...
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,72% với 19 mã tăng/9 mã giảm, VN-Index tăng 0,82% với 318 mã tăng/128 mã giảm. Đà phục hồi sáng nay là không khó đoán khi chứng khoán toàn cầu cũng tăng rất tốt. Trong đó, gần 100 mã đang tăng trên 2%, 90 mã tăng trên 1%. 15 mã kịch trần ở HoSE chủ yếu mang tính đầu cơ đơn lẻ như VHC, ANV, CMX, SKG, FRT, VND, TGG, DAG.
Điều khá bất ngờ là thanh khoản lại không cao. Nhà đầu tư có thể hào hứng mua giá cao, kéo xanh hầu hết cổ phiếu, nhưng lượng tiền vào không nhiều. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm 28% so với sáng hôm qua, đạt 14.019 tỷ đồng. Sàn HoSE giảm tới 30%, giao dịch chưa tới 12 ngàn tỷ, thấp nhất 15 phiên. Rổ VN30 giảm 21%, khớp dưới 4 ngàn tỷ.
Dù các cổ phiếu blue-chips “truyền thống” tăng mạnh, nhưng giao dịch như ở nhóm ngân hàng trên HoSE còn chưa tới 1,4 ngàn tỷ đồng, tức là chưa tới 12% tổng khớp sàn này, một tỷ trọng rất thấp. Giao dịch lớn nhất là HPG cũng chỉ đạt 731,6 tỷ đồng với gần 14,8 triệu cổ phiếu tương đương 43% so với phiên hôm qua. PVD, DPM là các mã giảm giá và có khối lượng ngay sau HPG, cũng chỉ đạt tương ứng 366,8 tỷ đồng và 287 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng khá mạnh với -323,6 tỷ đồng riêng sàn HoSE. HNX bị bán ròng 15,3 tỷ và UpCOM mua ròng 44,2 tỷ. BSR chiếm toàn bộ giao dịch ròng ở UpCOM trong khi PVS bị bán chính trên HNX. Tại HOSE, HPG bị xả ròng 93,7 tỷ, DXG 49,1 tỷ, VIC 45,1 tỷ, VPB 42,4 tỷ, GMD 41,2 tỷ, MSN 37,5 tỷ, PLX 33,3 tỷ. Phía mua ròng lớn nhất chỉ có NLG với 27,1 tỷ đồng.