Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán rực lửa, vốn ngoại tiếp tục xả ngàn tỷ
Thị trường đã không thể cầm cự lâu hơn trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sức ép càng về cuối lan tỏa càng rộng, khiến số cổ phiếu giảm giá tăng nhanh. Ảnh hưởng của nhóm ngân hàng nghiêm trọng nhất trên VN30-Index, ép chỉ số này giảm 1,1%, trong khi VN-Index giảm 0,94%...
Thị trường đã không thể cầm cự lâu hơn trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sức ép càng về cuối lan tỏa càng rộng, khiến số cổ phiếu giảm giá tăng nhanh. Ảnh hưởng của nhóm ngân hàng nghiêm trọng nhất trên VN30-Index, ép chỉ số này giảm 1,1%, trong khi VN-Index giảm 0,94%.
GAS tăng 1,35% và BVH tăng 5,8% là hai cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 còn tăng, nhưng cả hai mã này chủ yếu thể hiện hiệu quả ở chỉ số VN-Index, trong khi hầu như không đỡ được VN30-Index.
Không có gì bất ngờ khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực mạnh mẽ từ phía bán và hầu hết giảm sâu phiên này. Tới 20/27 cổ phiếu ngân hàng trên các sàn giảm giá, trong đó 15 mã giảm trên 1%. BVB, OCB, NAB, BAB, MSB là các mã đi ngược dòng, nhưng không có tác động gì lên chỉ số. Ngược lại VCB giảm tới 2,69%, STB giảm 2,28%, SHB giảm 1,78%, VPB giảm 1,88%, CTG giảm 1,57% đều là các blue-chips có ảnh hưởng lớn.
Mặc dù trong nhóm tài chính có cả các cổ phiếu bảo hiểm tăng tốt, nhưng sức ép từ các mã ngân hàng, chứng khoán là áp đảo. Chỉ số VNFIN trên sàn HoSE có 37 mã thì các cổ phiếu bảo hiểm bao gồm BIC tăng 4,08%, BMI tăng 7%, BVH tăng 5,8%, MIG tăng 6,82%, PGI tăng 2,75%. Dù vậy chỉ số VNFIN đóng cửa vẫn giảm 1,32%, khi 26 cổ phiếu còn lại giảm giá.
Các mã chứng khoán đỏ rực rỡ lại toàn các blue-chips có ảnh hưởng: SSI giảm 2,13%, HCM giảm 2,57%, VND giảm 2,37%, VCI giảm 3,26%. Nhóm nhỏ hơn như BVS, HBS, VIX, APS, MBS, WSS, APG, VDS cũng sụt giảm từ 2% tới 4% giá trị.
Thực tế tổng thể mặt bằng giá cổ phiếu nhóm VN30 cũng thấp hơn đáng kể so với phiên sáng. Thống kê có tới 21 mã tụt giá sâu hơn, chỉ 6 mã có cải thiện. Tất cả 6 mã này chỉ là hồi trong xu hướng giảm và biên độ mạnh nhất cũng chưa tới 0,6%. Do đó ngay cả các trụ lớn nhất ngoài nhóm ngân hàng cũng không thể hỗ trợ thị trường được: VIC giảm 1,11%, MSN giảm 1,27%, HPG giảm 1,3%, GVR giảm 1,06%, MWG giảm 1%...
Độ rộng sàn HoSE cuối ngày thu hẹp hơn đáng kể so với buổi sáng, khi chỉ còn 162 mã tăng/287 mã giảm. Nhóm tăng ngoài một số mã bảo hiểm, có vài mã đầu cơ nhỏ kịch trần như PTL, TGG, BMC, C47, TEG. Ngoài ra một số khác tăng khá từ 1% trở lên với thanh khoản tốt trên 50 tỷ đồng hôm nay có thể kể tới CKG, HBC, VSC, KSB, HDG, HNG, CTD.
Khối ngoại lại phát tín hiệu khá tiêu cực khi bán mạnh hơn trong buổi chiều. Cuối phiên sáng khối này mới bán ra tổng cộng 391,8 tỷ đồng trên HoSE thì chiều xả thêm gần 736 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức bán lên 1.127,4 tỷ đồng. Đây là phiên thứ hai trong tuần này khối ngoại bán ra với quy mô trên ngàn tỷ đồng. Hôm qua khối này cũng bán ra tổng hợp 1.250,3 tỷ đồng trên sàn này.
Quy mô bán ra của khối này tăng lên đáng chú ý trong hai phiên cuối tuần, đúng vào thời điểm FED và Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất. Dù vậy mức ròng cũng chưa quá đột biến, hôm qua khoảng 475 tỷ đồng ở HoSE và hôm nay thêm 331 tỷ đồng nữa. Tính chung từ đầu tháng 9 đến hôm nay, khối ngoại rút đi khoảng 2.138 tỷ đồng ròng.
VN-Index kết thúc phiên hôm nay tuy giảm 11,42 điểm nhưng vẫn trụ vững trên mốc 1200 điểm, đạt 1.203,28 điểm. Tuy vậy nếu sức ép từ các cổ phiếu blue-chips không được giải tỏa, rủi ro thủng mức tâm lý này là rất cao.