Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí đánh tụt điểm số, khối ngoại vẫn bán nhiều
Thị trường tiếp diễn nhịp độ giao dịch chậm chạp và chán nản sáng nay, nhưng lực ép từ phía bán có tín hiệu tăng. VN-Index trượt dốc dần và độ rộng co hẹp đi cùng với mức thanh khoản tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn yếu, trong đó các mã ngân hàng, dầu khí đang khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất...
Thị trường tiếp diễn nhịp độ giao dịch chậm chạp và chán nản sáng nay, nhưng lực ép từ phía bán có tín hiệu tăng. VN-Index trượt dốc dần và độ rộng co hẹp đi cùng với mức thanh khoản tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn yếu, trong đó các mã ngân hàng, dầu khí đang khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,31% tương đương -3,48 điểm so với tham chiếu. Đỉnh cao nhất chỉ số đạt được lúc 9h23 tăng gần 3,6 điểm. Như vậy biên độ dao động sáng nay vẫn khá hẹp, nhưng xu hướng giảm trong phiên là rõ ràng.
Độ rộng cũng thay đổi tương ứng theo hướng tiêu cực. Tại đỉnh của VN-Index ghi nhận 237 mã tăng/78 mã giảm. Đến khoảng 10h30 khi chỉ số bắt đầu đỏ, độ rộng còn 215 mã tăng/191 mã giảm. Kết phiên sáng HoSE chỉ còn 145 mã tăng/293 mã giảm.
Mặc dù độ rộng phản ánh diễn biến tụt giá trên diện rộng, phù hợp với đà suy yếu của VN-Index nhưng tác động chính đến điểm số vẫn là nhóm blue-chips. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,3% với 6 mã tăng/22 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, toàn bộ là các mã thuộc nhóm VN30, dẫn đầu là các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí.
GAS sụt giảm 1,15% là trụ yếu nhất trong nhóm trụ và giảm mạnh nhất trong rổ VN30. Cổ phiếu dầu khí đang chịu ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu khi chỉ từ đầu tháng 12 đến nay giá dầu Brent đã giảm hơn 11%. Ngoài GAS, loạt cổ phiếu dầu khí khác cũng đang “đỏ đậm” là PVD giảm 2,1%, PVS giảm 2,54%, PVC giảm 1,91%, BSR giảm 1,05%, PVG giảm 1,1%...
Nhóm ngân hàng cũng chiếm 5/10 vị trí khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất dù biên độ giảm cũng không quá mạnh. Dẫn đầu là VPB giảm 1,03%, TCB giảm 0,97%. Nhóm trụ lớn có VCB giảm 0,12%, BID giảm 0,84%, CTG giảm 0,19%. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng đang giao dịch, chỉ có 6 mã tăng là EIB tăng 1,58%, VBB tăng 1,05%, KLB tăng 0,85%, LPB tăng 0,31%, VIB tăng 0,26% và ACB tăng 0,22%.
Với độ rộng khá hẹp, nhìn chung các nhóm cổ phiếu đều đỏ, nhưng trong những nhóm vẫn có phân hóa. Mặt khác, biên độ giảm vẫn nhẹ, HoSE chỉ có 66/293 cổ phiếu giảm quá 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 10% tổng khớp sàn này. Phía tăng, có 38 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm gần 14% sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tăng mạnh áp lực bán trở lại, xả tới 1.209,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE, tăng 2,1 lần so với mức bán sáng hôm qua. Đây cũng là quy mô bán phiên sáng cao nhất 17 tuần. Trong suốt thời gian này, chỉ có 5 phiên sáng khối ngoại xả trên 1.000 tỷ. Tỷ trọng bán của khối này chiếm tới 16,9% tổng giao dịch của HoSE, là mức rất cao. Phía mua cũng đã tăng tốt lên 822,2 tỷ đồng, cao nhất 7 tuần, bù lại phần nào mức tăng từ phía bán. Dù vậy mức bán ròng vẫn tới 387,3 tỷ.
Các mã bị xả lớn là FUEVFVND -51,6 tỷ, HPG -36,5 tỷ, VNM -34,7 tỷ, VHM -28,9 tỷ, STB -26,5 tỷ, SCS -19,7 tỷ. Phía mua không có mã nào đáng kể, lớn nhất là VHC cũng chỉ +7,8 tỷ.
Tuần này các quỹ ETF tái cơ cấu nên nhiều cổ phiếu bị bán bớt để mua các mã khác. Thông thường áp lực bán ròng sẽ tăng lên các ngày trong tuần và giao dịch trở lại cân bằng vào ngày cuối tuần với lực mua mạnh.
Sức ép từ phía bán có tín hiệu tăng, trong đó bao gồm khối ngoại là sức ép mới mang tính thời điểm trong phiên sáng nay. Cổ phiếu tụt giá gần như liên tục trong buổi sáng, dù bên bán không tạo áp lực đột ngột. Trong nhóm cổ phiếu tập trung thanh khoản cao nhất thị trường, khả năng đỡ giá vẫn khá ổn. HoSE có 14 mã thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên – chiếm 45,1% tổng khơp sàn này – thì có 6 mã giảm và 6 mã tăng. Không mã nào trong nhóm này giảm quá 1% so với tham chiếu.