Cổ phiếu nhóm nào có mức sinh lời cao nhất khi nền kinh tế mở cửa trở lại?
Khi các hoạt động kinh tế tái khởi động, chỉ có một số ít các nhóm ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung. Đây thường là các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hoặc có câu chuyện tăng trưởng riêng biệt...
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tổng số ca bệnh mới ghi nhận tại Việt Nam trong
ngày 19/09/2021 đạt khoảng 10,5 nghìn ca đây là mức giảm đáng kể so với đỉnh ca bệnh gần nhất (hơn 17 nghìn đơn vị). Tại một số thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội, số ca mắc mới trong ngày gần nhất đạt lần lượt hơn 5.496 và 20 ca, đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình 7 ngày.
Việc tiêm Vaccine cho người dân đang là ưu tiên và được Chính phủ đẩy nhanh trong giai đoạn này. Tính đến hết ngày 19/09/2021; đã có hơn 34 triệu người dân được tiêm ít nhất một mũi (tương đương khoảng hơn 32% dân số). Toến độ tiêmiVaccine tại một số điểm nóng hiện tại đã đạt mức khá cao như Tp.HCM và Hà Nội (tỷ lệ mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt gần 100%); Bình Dương (96%); Đồng Nai (gần 82%).
Mới đây, Tp.HCM đã thống nhất lộ trình mở cửa kinh tế trong 3 giai đoạn, quay trở lại với trạng thái bình thường mới. Dự kiến, giai đoạn đầu sẽ bắt đầu từ 01/10/2021. Ngoài ra, tại Hà Nội cũng có một số diễn biến đáng chú ý như: từ 16/09, thành phố đã cho phép 19 quận, huyện không ghi nhận các ca mắc mới trong 10 ngày gần nhất được nới lỏng giãn cách và mở lại một số loại hình dịch vụ. UBND Thành phố Hà Nội cũng đang nghiên cứu về phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh cho giai đoạn sau ngày 21/09/2021.
Vậy dưới góc độ thống kê, đâu là những nhóm ngành có khả năng sinh lời tốt khi nền kinh tế mở cửa trở lại ?
Trong báo cáo về triển vọng nhóm ngành đầu tư sau khi nền kinh tế mở cửa, Chứng khoán Agriseco cho rằng, diễn biến các đợt bùng phát dịch trước đều nhận thấy một số điểm chung là: Trước khi số ca mắc mới tạo đỉnh, đa số các nhóm ngành đều ghi nhận trạng thái giảm điểm. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát và số ca mắc mới đã tạo đỉnh, có thể thấy các rất nhiều các ngành đều đồng thuận tăng điểm.
Cũng theo Agriseco, mặc dù xu hướng dòng tiền khi thị trường hồi phục khá lan tỏa, tuy nhiên chỉ có một số ít các nhóm ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung. Đây thường là các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao hoặc có câu chuyện tăng trưởng riêng biệt.
Cụ thể, là nhóm hoá chất, nhóm này được hưởng lợi từ hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa lên cao. Sự gia tăng đáng kể về giá một số mặt hàng có thể kể tới như: giá mủ cao su đã tăng khoảng 26% so với trung bình cả năm ngoái, giá phân DAP tăng 128%, phân Urea tăng 119%, phân lân tăng 130%. Ngoài ra, nhu cầu đối với một số mặt hàng như photpho vàng, phân bón đang gia tăng trên thị trường quốc tế giúp các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc xuất khẩu.
Thứ hai là nhóm kim loại, Đây là nhóm có câu chuyện tăng trưởng từ (1) giá thép tăng mạnh và duy trì ở mức cao so với trung bình năm 2020; (2) triển vọng xuất khẩu tích cực khi thị trường Trung Quốc cắt giảm thêm sản lượng nội địa và đang có làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Thứ ba là nhóm bán lẻ. Đây là một trong những nhóm cổ phiếu có tỷ suất sinh lời rất tốt khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Triển vọng ngành này tới từ (1) ngắn hạn: gia tăng doanh số bán hàng khi nền kinh tế mở cửa và (2) dài hạn: xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch, tạo điều kiện cho việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử phát triển.
Cuối cùng là nhóm dầu khí, một số sự kiện trên thị trường quốc tế như OPEC cắt giảm sản lượng; bão IDA ở Mỹ.. đã đẩy giá dầu lên mức cao hơn nhiều so với năm 2020; hiện đạt trên 70$/thùng với cả dầu Brient và WTI. Giá dầu duy trì ở mức cao là động lực để tất cả các khâu khai thác, lọc và thương mại dầu đều có triển vọng lợi nhuận tích cực. Ngoài ra, khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng sẽ tăng lên.
Trong khi đó, các nhóm ngành được kỳ vọng phục hồi nhưng giá cổ phiếu thực tế không tăng điểm tốt. Trung bình, chỉ số VN-Index ghi nhận mức hồi phục khoảng 20% kể từ khi số ca mắc mới lập đỉnh đến khi đợt bùng phát được kiểm soát. Một số nhóm cổ phiếu như (1) du lịch/giải trí; (2) bia và đồ uống được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa và có hiệu suất tốt hơn mức của thị trường chung.
Tuy nhiên thống kê trên thực tế lại không thực sự ủng hộ luận điểm này. Ngành Du lịch và giải trí, tỷ suất sau 3 giai đoạn bùng phát dịch trước cho thấy mức sinh lời trung bình của nhóm này thấp hơn khá nhiều so với thị trường chung. Tại một số cổ phiếu đầu ngành hàng không, dịch vụ như HVN, SCS thường xuất hiện những nhịp tăng khá mạnh quanh giai đoạn đỉnh dịch, tuy nhiên đà tăng này thường không kéo dài và nhanh chóng bị áp lực bán chốt lời các phiên sau đó.
Nguyên nhân chính là do bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành (đặc biệt là các hãng hàng không) đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi dịch bệnh và có thể sẽ mất nhiều năm để phục hồi.
Ngành bia và đồ uống, mặc dù sản lượng bia cung ứng ra thị trường trong 06 tháng đầu năm đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên do đợt dịch lần 4 bùng phát mạnh, sản lượng 2 tháng đầu tiên trong Quý III đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tổng sản lượng bia trong tháng 07 và 08 năm nay chỉ đạt 595 triệu lít, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.