18:59 25/07/2021

TP.HCM thắt chặt đi lại bên trong thành phố từ 26/7

Minh Tâm

TP.HCM sẽ tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển trong thành phố từ 26/7; có thể giới hạn khung giờ nhất định và đối tượng ra đường nhằm hạn chế lây lan Covid-19...

TP.HCM sẽ tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển trong thành phố để hạn chế tốc độ lây lan.
TP.HCM sẽ tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển trong thành phố để hạn chế tốc độ lây lan.

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết: Sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao dù TP.HCM đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều biện pháp. Vì vậy, trong thời gian tới, các biện pháp cần phải được thực hiện kiên quyết hơn, siết chặt hơn nữa để đưa TP.HCM sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

SẼ QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN RA ĐƯỜNG

Thực tế ghi nhận trong 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân trong các khu phong toả vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nguyên tắc này, dẫn tới ca F0 trong khu phong toả chiếm đa số, thậm chí có ngày lên đến 70% tổng số ca mắc mới.

 
"Ngoài nguyên nhân khách quan do chủng mới Delta gây lây lan nhanh, TP.HCM còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc một số nơi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở cả 2 phía người dân và chính quyền địa phương", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho rằng TP.HCM cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn, đảm bảo về kỷ cương, giãn cách; triệt để cách ly người với người, nhà với nhà, người dân chỉ được ra ngoài khi cần cấp cứu y tế. “Chính quyền sẽ cung ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà; đồng thời giám sát, giảm thiểu tối đa việc giao lưu giữa người với người. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Đức nói.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết: ngoài nguyên nhân khách quan do chủng mới Delta gây lây lan nhanh, TP.HCM còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc một số nơi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở cả 2 phía người dân và chính quyền địa phương.

“Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc, không phải để xác định trách nhiệm, mà cần nhận thức rằng đây là điều nguy hiểm và nếu không làm tốt hơn thì dịch bệnh sẽ tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn. Đề nghị các cấp, các ngành và người dân nghiêm túc thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch”, ông Mãi nói.

Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, 55 ngày qua, tính từ ngày 31/5 đến nay, TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo các cấp độ khác nhau, Chỉ thị 15 (từ 31/5), Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (từ 19/6) và Chỉ thị 16 (từ 9/7). Hiện TP.HCM tiếp tục Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt, nâng cao hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại và tiếp tục phức tạp.

 
TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở tuần tra, kiểm soát để từng địa bàn kiểm soát nghiêm, với tinh thần “nhà nào ở nhà đó”, hạn chế tối thiểu ra đường.

Trước đó, sau 1 tuần triển khai Chỉ thị 16, lãnh đạo TP.HCM đề ra 3 tình huống có thể xảy ra. Tình huống thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét việc giảm mức độ giãn cách. Tình huống thứ hai là TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn. Tình huống thứ ba là xấu nhất mà không ai mong muốn đó là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát.

Hiện tại, TP.HCM đang nằm ở tình huống thứ 2 là tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, toàn thành phố cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, nâng cao hơn.

Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ tăng cường công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở tuần tra, kiểm soát để từng địa bàn kiểm soát nghiêm, với tinh thần “nhà nào ở nhà đó”, hạn chế tối thiểu ra đường. Nhu cầu của người dân gần như được đáp ứng tại nhà. Cùng với đó, tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân, đặc biệt là người khó khăn, yếu thế trong thời gian giãn cách.

“TP.HCM sẽ có quy định tăng cường các biện pháp thắt chặt di chuyển. Trong ngày mai 26/7, TP.HCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TP.HCM sẽ triển khai thời gian tới", ông Mãi nhấn mạnh.

Về thời gian áp dụng Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực cho biết thành phố đang dự kiến kéo dài tới 1/8. Tuy nhiên, ông Mãi nhìn nhận thời gian này có thể có độ trễ và phải thực hiện trong 2 tuần để đảm bảo chặn được nguồn lây của dịch bệnh.

TẬP TRUNG ĐIỀU TRỊ F0 ĐỂ GIẢM TỬ VONG

Theo ông Dương Anh Đức, hiện TP.HCM đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng mở một nhánh trong tổng đài 1022 để huy động chuyên gia y tế tham gia tư vấn sức khỏe cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết hiện có 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám trên địa bàn thành phố đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia chiến dịch tiêm vaccine. Ngoài ra, hơn 5.000 bác sĩ, nhân viên y tế từ các đơn vị y tế Trung ương cũng được huy động tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi khẳng định chiến lược của TP.HCM đang chuyển dần sang điều trị, đây là nhiệm vụ chính. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương và tỉnh thành bạn, TP.HCM chủ động thực hiện phương châm “5 tại chỗ”, huy động tối đa nguồn lực của thành phố, điều phối khoa học, sử dụng hiệu quả với mục tiêu giảm tử vong.

Lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua có tình trạng người dân cần trợ giúp về y tế nhưng không được đáp ứng kịp thời, nguyên nhân đến từ sự quá tải của cơ sở tiếp nhận tuyến huyện và bệnh viện điều trị; mặt khác do cơ chế điều phối, điều trị.

Đối với việc cách ly chăm sóc F0 tại nhà, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi cho biết, dù chủng virus Delta lây lan nhanh nhưng theo thống kê cho thấy hơn 80% trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, việc cách ly tại nhà (với ưu điểm là người bệnh được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, tinh thần thoải mái) sẽ tốt hơn cho người bệnh, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, thành phố Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế.

 
XỬ LÝ NGHIÊM CÁC TRƯỜNG HỢP GIẢ DANH SHIPPER
Ghi nhận trong thời gian qua, tại TP.HCM đã có một bộ phận người dân lợi dụng mặc áo shipper để ra ngoài dù không làm công việc giao hàng. Do đó, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra trong thời gian tới.
Việc shipper hoạt động để vận chuyển hàng hóa đáp ứng phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân. Shipper có quyền từ chối nếu khách hàng yêu cầu vận chuyển hàng không thiết yếu. 
Tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng nếu nghi ngờ sẽ yêu cầu người dân cung cấp app vận hành để chứng minh. Và lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp "giả mạo shipper" và những shipper vận chuyển hàng hóa không thiết yếu để đảm bảo giữ vững kỷ cương phòng chống dịch.