Cú sốc nào khiến VN-Index "bay màu" 25 điểm?
Căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông hôm nay thậm chí nhiều thị trường chứng khoán tăng, thị trường chứng khoán tại Israel giảm nhưng không đáng kể khoảng 0,98%, trong khi thị trường Việt Nam lao dốc mạnh...
VN-Index chào tháng 8 bằng một cơn lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy được trong suốt mùa công bố kết quả kinh doanh. Chỉ số mất bình tĩnh ngay đầu phiên, lực bán càng về cuối phiên càng mạnh kết cục bay gần 25 điểm, giảm sâu về vùng 1.226,96 điểm. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 3 tháng.
423 cổ phiếu chìm trong biển lửa. Không còn một nhóm nào duy trì được sắc xanh. Trong đó, dịch vụ viễn thông giảm khốc liệt nhất 11,25% chủ yếu do cổ phiếu VGI rớt 14,63%; ELC giảm 6,44%. Chứng khoán giảm 4,49%. Các nhóm giảm trung bình 2-3% rất nhiều như Vật liệu Xây dựng giảm 3,24%; Vận tải giảm 2,39%; Bán lẻ giảm 2,16%; Hàng tiêu dùng giảm 3,02%; Vận tải giảm 2,39%; Bất động sản giảm 2,63%. Nhóm ngân hàng hôm nay cũng giảm 1%.
Top các cổ phiếu thổi mất điểm của thị trường gồm GVR thổi 1,55 điểm; FPT đánh bay 1,35 điểm; nhóm ngân hàng có MBB, BID và VPB thổi bay thêm hơn 3 điểm nữa. Ở chiều ngược lại, VCB gồng mình giữ chỉ số lấy lại được 2,04 điểm nhưng không đáng kể.
Lý giải cú sốc của thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng thứ nhất tâm lý của thị trường đã yếu từ mấy hôm gần đây. Phiên giao dịch hôm qua hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng". Thanh khoản thấp, nhóm Midcap và Smallcap giảm mạnh trong khi kéo trụ VN30. Chỉ số tăng danh mục nhiều nhà đầu tư không tăng dẫn đến tình trạng lo sợ thị trường sẽ giảm nữa.
Thứ hai, những phiên giảm gần đây kích hoạt call margin chéo từ các nguồn cho vay bên ngoài. Trong quý 2 vừa qua, đà tăng thị trường chủ yếu đến từ nhóm UPCoM, Penny dựa trên những câu chuyện hỗ trợ ngắn như chuyển sàn...Giá cổ phiếu tăng bất chấp, các cổ phiếu này không được công ty chứng khoán cho vay, nhà đầu tư fomo từ nguồn lực bên ngoài. Bước sang tháng 7, nhóm này giảm nhưng mất hút thanh khoản tạo thành mô hình cây thông dẫn đến hiện tượng call margin chéo, bán các cổ phiếu trong danh mục của nhà đầu tư.
Thứ ba, đã hết mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2. Không còn nhiều thông tin hỗ trợ cổ phiếu, giá cổ phiếu không phản ánh lợi nhuận điều này đồng nghĩa có thể tâm lý nhà đầu tư đã kỳ vọng xong, lợi nhuận phản ánh vào giá rồi nên tạo ra xu hướng bán tháo.
Thứ tư, thị trường giảm còn đóng góp bởi căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông mặc dù không ảnh hưởng nhiều. Ngày hôm nay thậm chí nhiều thị trường chứng khoán tăng, thị trường chứng khoán tại Israel giảm nhưng không giảm đáng kể khoảng 0,98%, trong khi thị trường Việt Nam còn giảm mạnh hơn. "Nhà đầu tư lo xa, giá cổ phiếu không lên thì cũng đè ra bán. Đó là nguyên nhân chính cho đà giảm thị trường", ông Minh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia phân tích của Yuanta, có thể những phiên tới áp lực bán tháo tiếp tục xảy ra, Vn-Index khả năng lùi về vùng 1.200 - 1.210 điểm. Tuy nhiên, sau phiên hôm nay định giá thị trường đã giảm về đáy của tháng 4, vùng hấp dẫn đang quay trở lại. P/E dự phóng cho cả năm 2014 loanh quanh 11x, lợi suất thị trường chứng khoán 9-10%, cao hơn so với kênh tiết kiệm 7%.
Bên cạnh đó, tỷ giá hạ nhiệt trong vài tuần gần đây, rủi ro nhà đầu tư nước ngoài rút vốn giảm xuống. Giai đoạn vừa qua, các quỹ đầu tư tài chính bán ra giảm tỷ lệ sở hữu nhiều, tỷ lệ nắm giữ còn lại một là nhà đầu tư chiến lược, hai là quỹ nội nắm giữ. Nhóm ngoại mà lướt sóng, bán tháo chạy khỏi thị trường thì họ bán hết rồi, nguồn cung gần như cạn kiệt, áp lực bán thêm không lớn và có thể có khuynh hướng quay lại mua ròng. Đây là trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.
Ở vùng giá 1.200-1.210 là vùng cân bằng của thị trường. Do đó, theo ông Minh, nhà đầu tư không cần thiết phải bán nữa nếu không có áp lực margin. Với nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt cao hơn có thể bình quân giá. Đây là vùng cơ hội cao hơn rủi ro.
Các nhóm cổ phiếu có thể quan tâm trong thời gian tới vẫn là ngân hàng. Nhóm ngân hàng đang gặp áp lực nợ xấu nhưng nợ xấu có dấu hiệu đạt đỉnh, tăng trưởng tín dụng quay trở lại sẽ bù đắp cho NIM gặp khó. Nhóm thứ hai vẫn là chứng khoán nhưng tất nhiên vẫn phải đi theo thị trường. P/B nhóm chứng khoán đã giảm mạnh, có thể là nhóm cân nhắc giai đoạn này.
Nhóm thứ ba là vận tải, tình hình xuất nhập khẩu tăng trở lại, số lượng đơn hàng tốt thì giúp nhóm vận tải ổn hơn. Nhóm thứ tư là dịch vụ dầu khí, công nghệ cho hàng phòng thủ tích lũy dài. Cuối cùng là nhóm sản xuất thực phẩm và bán lẻ. Nhóm phi tài chính lợi nhuận đang tăng trưởng tốt gần 32%, đánh dấu sự quay trở lại của nhóm sản xuất thực phẩm và bán lẻ.