Dân công nghệ tìm việc trong ngành thời trang, điều gì đang xảy ra?
Với làn sóng sa thải trong ngành công nghệ, một số người từng cống hiến cho Thung lũng Silicon giờ đang chuyển sang lĩnh vực thời trang. Có vẻ như, xu hướng tuyển dụng đã đảo chiều…
Vào năm 2014, Giám đốc điều hành Burberry, Angela Ahrendts, đã gây bất ngờ khi chuyển đến Apple, nơi bà giữ chức phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán lẻ trong 5 năm. Năm 2015, cây bút thời trang Eva Chen đã chuyển từ vị trí biên tập viên cấp cao tại Condé Nast sang vai trò giám đốc quan hệ đối tác tại Instagram. Và, vào năm 2021, giám đốc thời trang Rajni Jacques của Allure đã gia nhập Snap với tư cách là người đứng đầu toàn cầu mảng thời trang và làm đẹp...
Họ chỉ là ba cái tên trong số rất nhiều người nổi tiếng trong giới thời trang đã chuyển sang thế giới công nghệ trong thập kỷ qua, bị thu hút bởi năng lượng đổi mới của lĩnh vực này, và cả sự hấp dẫn của mức lương cao hơn. Tuy nhiên, thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ.
GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU
Giờ đây, ngành công nghệ đang phải đối mặt với hàng loạt đợt sa thải, từ việc cắt giảm 13% lực lượng lao động tại Meta, được công bố vào tháng 11 năm ngoái, cho đến việc cắt giảm 50% số lượng tại Twitter sau khi được Elon Musk mua lại. Tốc độ sa thải này thậm chí đã tăng lên trong hai tháng đầu năm nay. Theo trang web theo dõi việc làm Layoffs.fyi, kể từ đầu năm 2023, 382 công ty công nghệ đã sa thải hơn 108.000 nhân sự.
Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, các ông lớn công nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44 nghìn nhân sự. Các số liệu thống kê cho thấy, tháng 1/2023 là tháng có số lượng nhân sự công nghệ bị sa thải nhiều nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Lãnh đạo của các công ty công nghệ cho rằng, họ đã mở rộng quá nhanh và đang phải tìm cách cắt giảm chi phí, trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều rủi ro.
Ở chiều ngược lại, giờ là lúc các thương hiệu và công ty thời trang muốn phát triển đội ngũ nhân sự phụ trách công nghệ của họ, đặc biệt là trong bối cảnh của Web3 và kỹ thuật số bao phủ toàn ngành. Holger Harreis, đối tác cấp cao của công ty tư vấn McKinsey & Company, cho biết các ngành công nghiệp thời trang, hàng xa xỉ và làm đẹp đang đầu tư vào quá trình chuyển đổi số dựa trên công nghệ, cả về trải nghiệm hướng tới người tiêu dùng lẫn những ứng dụng phụ trợ (thiết kế sản phẩm, phân bổ hàng tồn kho, truy xuất nguồn gốc bền vững…).
Ông Harreis nhận xét, số lượng các chuyên gia công nghệ chuyển sang lĩnh vực thời trang đã bắt đầu tăng lên trong vòng 3 đến 4 năm qua khi các công ty thời trang hướng đến công nghệ nhiều hơn. Bà Karen Harvey, Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty tư vấn thời trang và vị trí điều hành The Karen Harvey Companies đồng tình: “Rất nhiều nhân sự ngành thời trang đã chuyển sang các công ty công nghệ và học hỏi được rất nhiều. Họ đã chuyển tới Amazons, tới Stitch Fixes hoặc Net-a-Porters, và giờ, chúng tôi thấy họ đang quay trở lại để thay đổi ngành thời trang”.
Ông Harreis của McKinsey cũng bổ sung rằng nhu cầu về nhân tài trong ngành này là rất lớn. “Đối với một chuyên gia công nghệ, thời trang, xa xỉ phẩm và làm đẹp mang đến những dự án công nghệ và kỹ thuật số hấp dẫn, đồng thời là một đề xuất đáng cân nhắc khi có thể làm việc trong sự giao thoa giữa sáng tạo, nghệ thuật, thể hiện bản thân và công nghệ — một khía cạnh khá độc đáo đối với bất kỳ công việc nào”.
SỰ KHÁC BIỆT ĐANG GIẢM DẦN
Đối với rất nhiều lao động ngành công nghệ, việc sa thải bất ngờ không đơn giản chỉ là mất việc làm mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, nhất là với các lao động người nước ngoài. Như tại Mỹ, nơi mà kế hoạch sa thải của nhiều công ty có hiệu lực ngay lập tức, lao động người nước ngoài chịu áp lực tìm kiếm việc làm mới trong thời gian ngắn, nếu họ muốn giữ được thị thực H-1B. Tuy nhiên, khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, luôn có cơ hội mới đối với các nhân sự giỏi trong lĩnh vực công nghệ.
Vào tháng 1, Stephanie Simon đã chuyển từ Clubhouse tới Farfetch (nền tảng thương mại điện tử chuyên về thời trang xa xỉ) với tư cách là phó chủ tịch cộng đồng và Web3. Tương tự, Sindhura Sarikonda rời khỏi Klarna và trở thành chủ tịch của Farfetch Châu Mỹ. “Một hoặc hai hoặc hai thập kỷ trước, sức hấp dẫn của một công việc trong lĩnh vực công nghệ là rất lớn,” bà Lisa Lewin, Giám đốc điều hành của tập đoàn tuyển dụng General Assembly nhận định. “Nhưng khi các công ty này đã phát triển về quy mô, giờ đây các nhân sự đang phải làm việc với một bộ máy quan liêu, sự phức tạp và khả năng sa thải nhân công theo chu kỳ vốn thường xảy ra đối với các công ty lớn”.
Nhưng liệu có sự khác biệt lớn giữa một doanh nghiệp thời trang hiện đại và một công ty công nghệ không?
Trên thực tế, mọi công ty hiện nay đều là công ty công nghệ. Mọi công việc tiếp thị đều có trọng tâm tiếp thị kỹ thuật số.
Theo Vogue Business, ngành thời trang có xu hướng trả lương thấp hơn ngành công nghệ, nhưng mức lương dành cho những nhân sự công nghệ thời trang hiện đang tăng cao để thu hút nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu AI và thương mại điện tử. “Các doanh nghiệp thời trang đang đặt nhiều kỳ vọng doanh thu vào Web3 và metaverse, nên họ sẽ tăng dần ngân sách cho tuyển dụng nhân sự,” bà Karen của The Karen Harvey Companies nói với Vogue.
Sự phát triển nhanh chóng của Web3 đang mở ra một danh mục công nghệ thời trang mới, dựa trên chuỗi khối khiến nhiều người phấn khích. Marjorie Hernandez, người đồng sáng lập The Dematerialised, một nền tảng thị trường Web3, cho biết: “Tôi tham gia Web3 cũng như thời trang kỹ thuật số với một tầm nhìn cụ thể để xây dựng những thứ chưa từng được thực hiện trước đây. Tôi quan tâm đến việc tạo ra các giải pháp hoàn toàn mới cho không gian blockchain, để cho phép các ngành công nghiệp sáng tạo, như thời trang, hội tụ với các công nghệ mang tính cách mạng”.
Trong năm 2023, NFTs của thương hiệu không còn là những sản phẩm độc lạ. NFTs có thể được dùng để thay thế cho sản phẩm hiện tại hoặc tạo ra giá trị cho những sản phẩm thời trang đã qua sử dụng. Parker Todd Brooks, Giám đốc Phụ trách NFTs của công ty Ledger, dự đoán rằng cụm từ “phygital” (từ ghép của physical + digital), có nghĩa là sản phẩm trong thế giới thật được liên kết với người em sinh đôi NFTs của nó, sẽ trở nên thông dụng. Trong mảng thời trang đã qua sử dụng, thương hiệu có thể dùng blockchain để truy cứu nguồn gốc thật của sản phẩm và kèm theo một người em sinh đôi NFTs trong thế giới ảo, để có thể kiếm được lợi nhuận thứ cấp.
Tương tự, Avatars và những nhân vật ảo cũng đang có sự chuyển mình. Việc sử dụng người có tầm ảnh hưởng ảo (virtual influencers) cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Trong khi đó, AI gần đây được các chuyên gia thời trang sử dụng như là một công cụ sáng tạo. Thương hiệu thời trang ảo Tribute Brand, được biết đến với những mẫu thiết kế váy dạ hội, mới đây đã sử dụng ChatGPT trong chiến dịch marketing của mình với một người mẫu ảo. Thương hiệu chỉ cần cho một vài gợi ý cơ bản về sản phẩm và chọn mẫu giọng văn, chẳng hạn “lộng lẫy” hay “tinh tế”, từ đó ChatGPT có thể cho ra phần miêu tả sản phẩm như mong muốn.