Đẩy mạnh livestream bán hàng, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá
Việc áp dụng hiệu quả thương mại điện tử, đặc biệt qua livestream, đang là chìa khóa cho sự tăng trưởng đột phá cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam những năm qua đạt khoảng 25%/năm, đứng trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốc độ thương mại hàng đầu thế giới.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG TRƯỞNG VƯỢT DỰ BÁO
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023 là một năm đầy khích lệ cho thương mại điện tử trong nước. Thị trường thương mại bán lẻ tại Việt Nam đã đạt quy mô 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước (tăng 9,6% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch của ngành, mà theo đó chỉ đặt ra mức tăng 8 - 9%).
Trong đó, thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, đã góp phần đáng kể vào sự chuyển đổi số của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều này, theo đánh giá của ông Lâm Công Thành, Giám đốc Vùng của Bruce Clay Việt Nam – một đơn vị chuyên hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân địa phương chuyển đổi thành các thương hiệu trực tuyến bền vững và thành công, kết nối với thị trường toàn cầu – nhận định là thông điệp tích cực.
Theo ông Lâm Công Thành, thương mại điện tử có vai trò ngày càng quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng cũng như lưu thông sản phẩm trong và ngoài nước. Trong đó, hình thức livestream bán hàng đang là chìa khóa cho sự tăng trưởng đột phá của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực tế hiện nay cho thấy, giải pháp bán hàng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang tận dụng sức mạnh của các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Kết hợp với sự bùng nổ của hoạt động thương mại, tạo ra những chuyển biến tích cực trên cơ sở tận dụng công nghệ AI, VR, AR.
Cùng với đó, trào lưu truyền thông cộng đồng dẫn dắt bởi sự bùng nổ của TikTok đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra trải nghiệm mua sắm độc đáo và thuận tiện.
Theo đại diện Bruce Clay, xu hướng tiếp theo của thị trường sắp tới là sự chuyển đổi từ mô hình thương mại xã hội sang thương mại cộng đồng. “Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần sáng tạo nội dung tương tác chạm cảm xúc người tiêu dùng, đặt trước quá trình quyết định mua sắm của họ”, ông Thành nhận định.
Phân tích ví dụ cụ thể, ông Thành cho biết hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang được xem là một trong những hoạt động nổi trội nhất trong xu hướng thương mại cộng đồng. Chương trình livestream tại Chợ Bến Thành do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với TikTok tổ chức, đạt doanh thu hàng hóa qua livestream (GMV) lên đến 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày, là minh chứng rõ nét nhất, góp phần tạo chất xúc tác thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ hơn thời gian tới.
“Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng. Và thương mại xã hội cùng với livestream được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu. Phương thức tiếp cận, trao đổi thông qua tin nhắn, cùng với trải nghiệm livestream sẽ giúp tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng”, ông Thành nhấn mạnh.
GIẢI PHÁP LIVESTREAM LÊN NGÔI
Với sự phát triển của công nghệ, livestream bán hàng không chỉ được xem là một hoạt động bán hàng trực tuyến mà còn là một sự kiện kết hợp triển lãm online. Điều này giúp tạo ra môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và hoạt động hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, thị trường cung cấp các giải pháp chuyển đổi tiếp thị hiệu suất phát trực tiếp (livestream performance marketing) cho các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.
“Trong xu hướng đó, Bruce Clay Việt Nam đang hướng đến triển khai giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hứa hẹn sẽ tạo ra những đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng doanh thu. “Livestream performance” sẽ không chỉ là một phương tiện tiếp cận mới mà còn là một cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sự tương tác, tạo ra mối kết nối mạnh mẽ với khách hàng”, ông Thành cho biết.
Theo đó, Bruce Clay Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi hoạt động livestream bán hàng tại Việt Nam dưới tên gọi LiveFair. Sự kiện này được đặt tên là “LiveFair Tết 2024”, lần đầu tiên diễn ra trong chương trình Lễ hội Du lịch Vibe Fest Bình Thuận, do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Sự kiện không chỉ là một cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mà còn là một trải nghiệm thực tế về thương mại điện tử và công nghệ số, tạo cơ hội cho người dân tham gia một cách trực quan và trung thực.
“Sự kiện này đồng thời đánh dấu cho sự bùng nổ về giải pháp tiếp thị kỹ thuật số mới cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới. Sự xuất hiện của chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số hàng đầu thế giới và giải pháp “livestream performance” đa chiều tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới, làm thay đổi cảnh quan kinh doanh. Đây là một bước quan trọng để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, đại diện Bruce Clay khẳng định.
LiveFair Tết 2024 dự kiến diễn ra từ mùng 3 đến mùng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bên trong không gian giải trí phong phú của Lễ hội Du lịch Vibe Fest Bình Thuận. Hoạt động diễn ra với quy mô hàng trăm phiên livestream cùng sự tham gia tích cực của các KOL và KOC nổi tiếng, đến từ khắp mọi nơi.
Các “livestreamer” này sẽ thực hiện livestream trực tiếp từ không gian triển lãm, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp ngay tại chỗ, tạo nên một không khí sôi động và gần gũi với người xem; hứa hẹn mang đến trải nghiệm “livestream performance” chưa từng có.