Để mỗi sản phẩm F&B là một câu chuyện văn hóa
Điểm giao giữa ẩm thực và hội họa chưa bao giờ gần gũi đến thế khi ngày càng nhiều các nghệ sỹ trẻ khẳng định tầm quan trọng của nghệ thuật thiết kế quảng cáo, cũng như bước đầu mở ra những định hướng mới để phát triển ngành này trong tương lai…
Giữa vô vàn sản phẩm được bày bán trên kệ, bao bì đóng gói độc đáo sẽ giúp thương hiệu trở nên nổi bật, kích thích quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Ngày nay, nghệ thuật quảng cáo không chỉ mang đến một sản phẩm đơn thuần mà nó ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực, việc xây dựng hình ảnh cho thương hiệu không chỉ nhằm giới thiệu một sản phẩm đơn thuần mà còn là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, là kênh truyền thông mang đến giá trị về văn hoá, lịch sử và lối sống.
NỮ HỌA SỸ GEN Z TRÊN ĐẤT MỸ
Trương Thanh Trà My (Emmy Trương) sinh năm 2000, đã tham gia các lớp học nghệ thuật tại trường dự bị đại học/nội trú Stuart Hall ngay khi vừa đạt học bổng và đặt chân lên đất Mỹ. Thời gian rảnh, cô dẫn dắt các câu lạc bộ Art Club sau giờ học, gửi tác phẩm đến các phòng trưng bày tại thành phố Staunton, bang Virginia và dự thi tại một số giải thưởng toàn quốc về hội họa. Cô từng được vinh danh ở vị trí đứng đầu trong 2 năm liên tiếp 2017 - 2018 trong cuộc thi cấp Draw Downtown Staunton của tổ chức Beverley Street Studio.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa khi nộp đơn vào đại học thường băn khoăn không biết chọn chuyên ngành gì, thì Trà My đã xác định sẽ học tập và muốn trở thành một nghệ sĩ, mãi mãi là nghệ sĩ. Trường đại học Nghệ thuật và Thiết kế Savannah (Savannah College of Art and Design) ở Atlanta vì thế trở thành ngôi trường Trà My chọn để theo học và nuôi dưỡng đam mê.
Trà My bước vào thế giới nghệ thuật với 1.000% nỗ lực và đam mê, cô học cách màu sắc tương tác, học những kiểu chữ, đường nét... Càng nỗ lực học tập, nghệ thuật và thiết kế của Trà My càng hiện hình một phong cách rõ nét, đó là mang âm hưởng văn hóa truyền thống Việt Nam ứng dụng vào ngành công nghiệp truyền thông và quảng cáo hiện đại. Trà My cho biết, sau khi được đào tạo ở trường, cô đã có thể làm việc cùng với những nhà sáng tạo đẳng cấp thế giới tại TBWA, This Is Rice, BCG, The Mill, ReThink Food Network, Golden Guide, MALKA Media và hiện tại là Levain Bakery – 1 trong những thương hiệu nổi tiếng toàn nước Mỹ trong lĩnh vực F&B.
“Với hàng hóa, sự thật là trên thế giới này, con người vẫn đưa ra quyết định dựa trên vẻ ngoài của mọi thứ. Sản phẩm của Việt Nam vốn rất tốt, chất lượng, và tôi muốn có cơ hội làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn về hình ảnh giống như những gì sản phẩm thể hiện ở bên trong”.
- Trương Thanh Trà My -
Hiện tại, Emmy Trương được biết đến là Art Director, Designer, chuyên xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lĩnh vực quảng cáo ẩm thực. Cô coi đây là cơ hội để nghệ thuật hội họa trở nên dễ tiếp cận hơn với đại chúng thông qua hàng hóa tiêu dùng. Dưới góc độ của nghệ thuật marketing, nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm được thể hiện qua ngôn ngữ của hình ảnh và hội họa, góp phần tạo nên những thông điệp, những câu chuyện gửi tới người dùng. Và sau đó, không chỉ dừng lại ở việc tạo nên sự thích thú mà còn thúc đẩy việc người dùng yêu thích và tìm hiểu về sản phẩm.
Tại Mỹ, các công ty thực phẩm, F&B chi gần 14 tỷ USD mỗi năm cho quảng cáo. Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp này mang lại doanh thu 1,5 nghìn tỷ USD/năm, riêng đồ ăn nhẹ và thực phẩm chế biến sẵn là 39 tỷ USD. Emmy Trương cho rằng, với tiềm năng lớn như vậy, nghệ thuật thiết kế quảng cáo cho các thương hiệu F&B rất xứng đáng được chuyên nghiệp hóa. Người hoạ sĩ khi đóng vai trò là chủ thể sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn có thể tạo ra những tác phẩm chân thực và có giá trị khi ứng dụng vào thực tế, đem đến cho hàng hóa Việt Nam một câu chuyện thông qua hình ảnh, để từ đó hội nhập với thế giới và mang lại doanh thu lớn hơn cho đất nước.
MỖI SẢN PHẨM KỂ MỘT CÂU CHUYỆN RIÊNG
Tại dự án “Lì Xì Mâm Cơm” thực hiện trong cộng đồng người Việt ở Mỹ năm 2023, Emmy Trương đã hoàn toàn thuyết phục cộng đồng người Việt tại Mỹ và chính người tiêu dùng Mỹ bằng những nét vẽ, ý tưởng độc đáo để nói lên giá trị của đồ ăn, thực phẩm Việt bên ngoài lãnh thổ quê hương. Dự án này ngoài đóng góp về ý nghĩa văn hóa còn đóng góp một phần nhỏ kinh phí cho Quỹ Mê Kông NYC.
Bữa cơm, bàn ăn của người Việt đã nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm của Emmy Trương, cũng như trên nhãn mác nhiều sản phẩm tưởng chừng như khó “liên hệ” với cái đẹp, như nước mắm, mắm tôm... Với óc tưởng tượng phong phú, những hình bóng của bách hóa xưa, hình tượng người phụ nữ nghìn tay đảm đang nhào nặn nên nhiều món ăn, những món đồ ăn Việt có sức sống vượt thời gian... đã trở nên gần gũi với bạn bè quốc tế, vừa giúp nâng cao độ nhận diện cho sản phẩm đồng thời không hề hòa tan văn hóa truyền thống của người Việt.
Emmy Trương là người không chủ trương để nghệ thuật chỉ tồn tại riêng mình nó trong khung gỗ hay trang trọng ở bảo tàng, cô muốn mang nghệ thuật càng gần với đời sống con người càng tốt. Cô là nghệ sỹ Việt hiếm hoi “dán nhãn” lên món “bún đậu mắm tôm” một câu chuyện bữa ăn quây quần, dân dã của người Việt xưa.
Cô cũng là người đưa hình ảnh phụ nữ vận yếm váy, khăn mỏ quạ làm tương ớt Hội An, nước mắm, ướp ủ ở Nam Định xuất hiện trên chai lọ của từng sản phẩm cụ thể trước khi nó đến tay người tiêu dùng Mỹ. Qua những tiểu tác phẩm hội họa dành riêng cho từng sản phẩm vật chất có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, Emmy Trương đã khiến nghệ thuật truyền thống trở thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Cho đến nay, Emmy Trương đã đạt được những giải thưởng quan trọng trong nghề nghiệp như: The One Club Advertising (năm 2021) hạng mục Silver Award và hạng mục Merit Award; New York Advertising Award (Giải thưởng về quảng cáo năm 2021); Shark Tank for Global Wellness Summit (năm 2020)... Cô được coi là một trong những người trẻ gốc Việt đầu tiên tự tạo ra một hướng đi mới, sáng tạo mới về thiết kế bao bì ẩm thực ở New York.
Nữ họa sỹ Gen Z cho biết, cô luôn chờ đợi và mong muốn có cơ hội áp dụng tất cả các kỹ năng thực hành của một công dân số để tạo nên bước chuyển tiếp của nghệ thuật quảng cáo và để “kể chuyện” về sản phẩm hàng hóa, từ đó tiếp sức cho nhiều sản phẩm Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần ở Mỹ, cũng như vươn ra thế giới.