Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm
Có hai chuyên đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn dự kiến trình Quốc hội giám sát tối cao
Sáng 12/7, sau một tiếng rưỡi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chọn được hai trong 6 chuyên đề được dự kiến để trình Quốc hội giám sát tối cao, và hai chuyên đề do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong năm 2017.
Từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung.
Một, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, dự kiến giao Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường chủ trì thực hiện.
Hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung.
Ba, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, dự kiến giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung.
Bốn, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, dự kiến giao Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng chủ trì phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội triển khai thực hiện.
Năm, việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển, dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung.
Sáu, việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư, dự kiến giao Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường giúp chủ trì về nội dung.
Chọn chủ đề khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là an toàn giao thông, vì nếu căn cứ vào yếu tố tính vĩ mô và cấp thiết của tình hình sẽ thấy, mỗi năm có gần 9 nghìn người chết vì tai nạn giao thông và 18 nghìn người thương tích, để lại gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội. Các cơ quan chức năng mới báo cáo tình hình chết tại chỗ, có thể chưa báo cáo hết những người chết tại bệnh viện hoặc sau đó.
"Một quốc gia hòa bình, không chịu thiên tai, mà mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông, thậm chí có ngày tăng lên thành 45 người. Đường hẹp cũng chết, đường rộng cũng chết. Phương tiện lạc hậu cũng chết. Phương tiện hiện đại cũng chết", bà Nga bình luận.
Lý do đề xuất giám sát nội dung này, theo đại biểu Nga là từ khóa 10 đến nay, Quốc hội chưa tiến hành giám sát tối cao về an toàn giao thông, chỉ có giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ đề này.
"Mỗi khóa tôi đều phát biểu về vấn đề này, và lần nào lấy số liệu của lần trước thấy vẫn còn giá trị. Ủy ban Quốc phòng - An ninh hoàn toàn đảm nhận được chuyên đề giám sát này", bà Nga nói.
Một số ý kiến đề nghị chọn chuyên đề thứ nhất và thứ năm trình Quốc hội giám sát tối cao.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nên chọn chuyên đề một và ba để Quốc hội giám sát tối cao, chuyên đề hai và năm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trùng với ý kiến của Chủ tịch.
Về thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần làm tốt công tác điều phối để tránh chồng chéo, tránh một địa phương có hai đoàn đến giám sát. Các đoàn giám sát tổ chức gọn, thiết thực, không “rồng rắn” kéo đến nơi được giám sát.