Đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường nhằm ngăn chặn buôn lậu
Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu...
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực đối với mặt hàng đường) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ triển khai áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng đường mía và xây dựng Thông tư hướng dẫn việc áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng đường mía sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường tại địa phương.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng dán tem chip điện tử truy xuất nguồn gốc phù hợp với quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan về truy xuất nguồn gốc đối với đường nhập khẩu và đường sản xuất trong nước.
Theo giải pháp gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với đường do Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất là loại tem điện tử sử dụng công nghệ RFID có chứa đựng các thông tin về: chủng loại đường, tên/địa chỉ cơ sở sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, số tờ khai hải quan, thời điểm nhập khẩu, đồng thời cũng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đối tượng áp dụng: Đường sản xuất trong nước và đường nhập khẩu được đóng gói từ 20kg trở lên. Đường nhập khẩu đã gắn tem điện tử sử dụng công nghệ RFID nếu sau khi thông quan thay đổi quy cách đóng gói hoặc chia thành các gói nhỏ để bán lẻ tại thị trường trong nước đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ tính năng truy xuất nguồn gốc theo mã QR. Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.
Loại tem sử dụng: Tem có mã QR truy xuất nguồn gốc có thể được in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm để giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, cơ sở sản xuất của sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc gắn tem có mã QR để truy xuất nguồn gốc đối với đường sản xuất trong nước và đường có nguồn gốc nhập khẩu. Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc bước trước – bước sau để đảm bảo khả năng nhận diện, truy tìm đơn vị sản phẩm tại từng công đoạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thay đổi bao bì đóng gói, phân phối và tiêu thụ trên thị trường.
Việc gắn mã QRCode truy xuất nguồn gốc do doanh nghiệp thực hiện, cụ thể như sau: Đối với đường sản xuất trong nước: thực hiện tại nơi sản xuất. Đối với đường nhập khẩu được đóng gói dưới 20kg: doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc tại 02 thời điểm: Tại cơ sở sản xuất của nước xuất khẩu; hoặc ngay tại khu vực cửa khẩu và trước khi thông quan hàng hóa.
Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; giúp người tiêu dùng, nhà sản xuất, doanh nghiệp có thể truy xuất thông tin về sản phẩm; cơ quan chức năng cũng dễ dàng kiểm tra, giám sát được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, phục vụ việc kiểm tra/thanh tra trong nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên thị trường.