Đề xuất nâng trần vé máy bay nội địa lên tối đa 4 triệu đồng, những đường bay nào chịu ảnh hưởng?
Giá vé tối đa với dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa được Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng lên theo khung giá mới, với mức tăng dự kiến từ 50.000 đến 250.000 đồng tùy đường bay. Như vậy, giá vé 1 chiều cao nhất với đường bay trên 1.280km được đẩy lên 4 triệu đồng...
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa (Thông tư số 17). Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa được quy định tại Thông tư số 17 đã được áp dụng từ ngày 1/7/2019.
ĐIỀU CHỈNH TĂNG VỚI CÁC ĐƯỜNG BAY TỪ 500KM TRỞ LÊN
Theo dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư số 17.
Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Đáng chú ý, với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên, cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.
Theo quy định hiện hành, mức tối đa giá dịch vụ bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ (i) thuế giá trị gia tăng (thuế VAT); (ii) các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý; (iii) khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Như vậy, phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không và tính thêm mức thuế, phí sân bay từ 80.000 – 120.000 đồng...
Cũng theo quy định, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản là giá dịch vụ hành khách phải trả cho hành trình sử dụng trong khoang phổ thông của tàu bay đối với hạng dịch vụ đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đa số hành khách trên chuyến bay từ dịch vụ mặt đất cho đến dịch vụ trên không.
Còn giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm là giá dịch vụ hành khách phải trả cho dịch vụ tăng thêm mà hành khách có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng do hãng hàng không cung cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của hành khách trên chuyến bay từ dịch vụ mặt đất cho đến dịch vụ trên không.
Khoảng cách đường bay là khoảng cách xác định theo cự ly bay thông dụng bao gồm cự ly bay lấy độ cao, bay vòng nhập vào đường hàng không, bay trên đường hàng không, giảm độ cao, bay vòng tiếp cận hạ cánh.
Quy định tại Thông tư số 17 cũng nêu rõ nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là những đường bay có khoảng cách dưới 500km, bay đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và chỉ một hãng hàng không khai thác.
Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trường hợp các hãng hàng không mở đường bay mới, chưa được công bố trong nhóm cự ly bay do Cục Hàng không Việt Nam thông báo, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quy định bổ sung đường bay mới vào các nhóm cự ly bay thông dụng trước thời điểm hãng kê khai giá với Cục Hàng không Việt Nam.
CHƯA ĐẾN LÚC BỎ GIÁ TRẦN VÉ MÁY BAY NỘI ĐỊA
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có các hãng hàng không nội địa là: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines.
Giá dịch vụ vận tải hành khách nội địa là một trong 42 mặt hàng Nhà nước định giá. Mặt hàng này được giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý và quy định giá tối đa. Theo đó, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được áp dụng từ tháng 7/2019, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay.
Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy cự ly, chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức, thông thường có từ 10 - 15 mức, tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.
Hiện Việt Nam đang là một trong số ít các nước trên thế giới còn áp dụng khung giá vé máy bay trên các đường bay nội địa.
Vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, nhất là nâng trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự tăng trưởng của ngành, thậm chí là bỏ trần giá vé. Bởi trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý là dù doanh thu tăng mạnh nhưng nhiều hãng bay vẫn "chầy chật" báo lỗ.
Đáng chú ý, nhiều hãng bay, chuyên gia từng đưa ra đề xuất cần bỏ khung giá trần vé máy bay để giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, cởi "vòng kim cô" giúp các hãng bay phát triển.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp phải nhiều quan điểm trái chiều, do lo ngại việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc các hãng được tự định giá tự tăng giá và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Trước đề xuất này, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội mới đây về dự thảo luật Giá sửa đổi, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng cần giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Quan điểm của Chính phủ cũng tán thành phải giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn với dịch vụ này.
Bởi việc Bộ Giao thông vận tải quy định giá trần sẽ tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đặc biệt, các đối tượng có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận các dịch vụ hàng không, qua đó, giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trường hợp khi không còn quy định giá trần, Chính phủ cho rằng các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, đặc biệt là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong giai đoạn cao điểm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến xã hội.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện một số quốc gia vẫn quy định về mức giá tối đa với dịch vụ này như: Trung Quốc, Indonesia... hoặc có biện pháp quản lý gián tiếp hoặc trực tiếp khác nhau. Còn những quốc gia có sự cạnh tranh cao, không đặt ra quy định mà để thị trường tự điều tiết.
Về dài hạn, Chính phủ cho rằng khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội, thị trường có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng. Khi đó, đề xuất bỏ quy định giá trần với vé máy bay trên các đường bay nội địa sẽ được xới xáo và phù hợp hơn.