Đến 2030 FPT dự kiến đào tạo 10.000 người làm vi mạch bán dẫn
Tập đoàn FPT đặt mục tiêu xây dựng nguồn lực ban đầu là 10.000 người, sau có thể 20-30.000 người mỗi năm, phục vụ ngành vi mạch bán dẫn…
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 10/10.
Ông Bình nói: 20 năm trước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn có đặt vấn đề: Đà Nẵng sẽ thành thành phố như thế nào? Tôi nói: “Chúng tôi muốn Đà Nẵng trở thành thành phố trí tuệ. Lúc đó không ai tin, doanh nghiệp không tin. Nhưng tôi vẫn tin là chúng ta làm được và đã làm được. Cơ bản nhất là chúng ta có khát vọng”.
Câu chuyện phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng lần này, theo ông Trương Gia Bình cũng cần khát vọng mãnh liệt.
Vị này cho rằng, bằng mọi cách phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới, và vượt mọi khó khăn, cản trở để làm được. Để làm được điều đó cần: nhân lực; thu hút đầu tư và có “thảm đỏ” - cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng ngành này phát triển.
"Câu chuyện phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng lần này cũng cần khát vọng mãnh liệt. Bằng mọi cách phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới, và vượt mọi khó khăn, cản trở để làm được".
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng, như FPT mỗi năm có 6.000-7.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để số sinh viên này có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng.
“Sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng. FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20-30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn”, ông Bình cho hay.
Ngoài việc đào tạo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất thành phố có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về đây tạo điều kiện để họ gắn bó và phát triển.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư cũng là việc quan trọng cần phải làm. Theo Chủ tịch FPT, cần đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới, kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó.
Đặc biệt, để thu hút đầu tư cần trải thảm đỏ đón doanh nghiệp. Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng cần chứng minh thực lực bằng các con số: nhân sự, doanh nghiệp, nhân vật danh vọng của ngành ở tại Đà Nẵng.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, thời gian gần đây, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều diễn đàn với sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhà đầu tư... để tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. “Nếu giữ vững quyết tâm đó Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chung tay thực hiện khát vọng như trên con chip có hàng trăm IP của hàng trăm công ty, không thể tồn tại riêng lẻ”, ông Bình đặt niềm tin.
Trước đó, thời điểm giữa tháng 9/2023, FPT xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng 67 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử.
Theo FPT, năm 2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch thuộc tập đoàn được công bố thành lập. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase).
FPT đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào 2 năm 2024 và 2025. Như vậy, đơn đặt hàng đến nay đã gần gấp 3 lần.
Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, cho biết Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.