Doanh nghiệp châu Âu đặt trọn niềm tin vào tương lai của Việt Nam
Dù tại thời điểm này Việt Nam chưa thể sản xuất, một phần đơn hàng đã được chuyển ra nước khác nhưng chỉ là quyết định tạm thời, các doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn đầu tư tại Việt Nam với những khoản đầu tư dài hạn...
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo chiều tối 9/9 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo các bộ ngành và 7 lãnh đạo các địa phương.
Ông Guru Mallikarjuna – Tổng Giám Đốc Bosch Việt Nam, thành viên EuroCham cho rằng, những tác động tiêu cực của đợt dịch lần 4 trên diện rộng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp EU tại Việt Nam.
Việc đi lại, di chuyển của cán bộ công nhân viên khó khăn. Việc triển khai chính sách "3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến" cũng là thách thức với các doanh nghiệp EU.
Với chính sách hiện tại không cho người tham gia 3 tại chỗ đi về nhà đồng nghĩa với việc không thể thay thế công nhân cũ đã tham gia 3 tại chỗ với công nhân mới dù họ đã làm việc trong nhà máy thời gian lâu. Trong một số trường hợp, nếu làm việc ở tỉnh này, nhưng nhà ở tỉnh khác nên cũng không về được… cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Rõ ràng với những khó khăn này, thì tiêm chủng vaccine là vấn đề cấp thiết cho tất cả cán bộ công nhân viên cũng như người lao động. Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Ưu tiên tiêm cho các công nhân để họ quay trở lại sản xuất tốt hơn”, ông Guru nói và lưu ý đây cũng là khuyến nghị của doanh nghiệp EU đưa ra tại cuộc họp với Chính phủ Việt Nam.
"Tại thời điểm này Việt Nam không thể sản xuất được, vì vậy 18% đơn hàng đã được chuyển ra nước khác. 16% cũng nghĩ sẽ phải chuyển ra quốc gia khác vì họ nghĩ tình hình này bị kéo dài hơn. Tuy nhiên, đây là chuyển một phần hoạt động sản xuất tức là chuyển đơn đặt hàng nhưng là quyết định tạm thời, chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam".
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham khẳng định: “Các doanh nghiệp châu Âu rất tin vào tương lai của Việt Nam. Họ vẫn thích đầu tư tại Việt Nam với những khoản đầu tư dài hạn. Chúng tôi tin tình hình sẽ được kiểm soát sớm, Chính phủ sẽ dần mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Song Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước.
EuroCham đề xuất Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời, là rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Mặt khác, các chính sách 3 tại chỗ hiện tại cần được tinh chỉnh. Quy định này đúng về mặt nguyên tắc nhưng trên thực tế lại đặt ra một gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động.
Đặc biệt, đại diện EuroCham nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường; thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan… cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh.
Vẫn còn khoảng cách lớn trong triển khai thực tế giữa trung ương và địa phương, đòi hỏi phải có nhiều buổi đối thoại tương tự như cuộc làm việc với Thủ tướng được tổ chức ở địa phương.
Tuy nhiên, EuroCham tin tưởng vì Chính phủ khẳng định các địa phương sẽ triển khai sớm Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có việc tiêm vaccine. "Khi đã có chính sách, hướng dẫn từ Chính phủ, hy vọng các địa phương sẽ triển khai nhanh, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Alain Cany nhấn mạnh.
"Chống Covid-19 là cuộc chiến chung của các nước, EU tiếp tục sát cánh cùng với Việt Nam để chống lại đại dịch này".
Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery, cũng nhận định, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là làm sao duy trì được hoạt động sản xuất, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hiện nay vấn đề tiêm vaccine cho công nhân là yếu tố thiết yếu để các công ty hoạt động. EU có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn thông qua cơ chế Covax. Tới nay đã có 10 triệu liều vaccine được cung cấp bởi châu Âu cho Việt Nam thông qua cơ chế này.
Được biết, ba ngày trước, trên thoả thuận song phương, Đức cũng sẽ cung cấp thêm 5 triệu liều vaccine, Pháp 700 ngàn liều vaccine… Chúng ta có thêm 3-4 triệu liều vaccine nữa cung cấp cho Việt Nam, đóng góp một nửa số vaccine nhận được tại Việt Nam đến thời điểm này.
EU đang đặt rất nhiều áp lực cho các doanh nghiệp ở các quốc gia châu Âu. “Chúng tôi có cuộc các cuộc họp với các Đại sứ để đưa thông điệp: Việt Nam nên được đưa vào nhóm các quốc gia ưu tiên hàng đầu nhận vaccine từ các quốc gia đang phát triển”, Đại sứ Pháp chia sẻ.