Doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và vật tư, thiết bị y tế phòng chống Covid-19 vào "tầm ngắm" hải quan
Trước thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và nhập khẩu các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19...
Ngày 10/5, Tổng cục Hải quan cho biết, vừa ban hành văn bản số 1604/TCHQ-ĐTCB yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh xăng dầu và nhập khẩu mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 trên các tuyến, đặc biệt là khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển và vùng biển.
Cơ quan này yêu cầu các đơn vị chức năng thu thập thông tin, cập nhật tình hình biến động giá xăng dầu, vật tư y tế nhằm hỗ trợ công tác thông quan hàng hóa kịp thời, đúng quy định, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.
Đồng thời, trao đổi, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu, mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương.
"Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra - Kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế у phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ cao, dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật", Tổng cục Hải quan yêu cầu.
Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có công văn số 36/BTC - BCĐ389 ngày 5/5/2022 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu và công văn số 32/BTC - BCĐ389 ngày 22/4/2022 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid 19 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong quý 1/2022, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm, giảm 44,86% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng, tăng tới 39,78% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến cửa khẩu, biên giới, cảng biển..., để “qua mặt” lực lượng chức năng.
Cụ thể, tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng lợi dụng các hình thức xuất, nhập khẩu chính ngạch để thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa với quy mô lớn hơn với phương thức, thủ đoạn tinh vi như lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử và chính sách hậu kiểm các đối tượng vi phạm như không khai báo, khai báo gian dối không đúng số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng.
Thậm chí, phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển hay nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu tâm lý phòng, chống dịch Covid-19 tăng cao, các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật và phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là hành vi vi phạm đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch diễn ra phức tạp trong thị trường nội địa.
Mới đây nhất, ngày 6/4, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan Nội Bài và Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra lô hàng được vận chuyển từ Cộng hòa Séc quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Qua đó, phát hiện và bắt giữ 65.000 kit test Covid-19 nhập lậu.
Liên quan đến buôn lậu xăng dầu, đầu năm nay, hơn 204 triệu lít xăng trị giá hơn 2.800 tỷ đồng tuồn từ Singapore qua đường biển về Việt Nam từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, để phân phối cho hàng loạt chủ doanh nghiệp ở 4 tỉnh thành như Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, An Giang với giá thấp hơn giá bán lẻ của Petrolimex, gây rúng động dư luận.
Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị truy tố 74 bị can ở khung hình phạt 12-20 năm tù về các tội buôn lậu và nhận hối lộ, trong đó, hàng loạt giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chủ hệ thống cây xăng ở phía Nam vướng vòng lao lý. Cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng nhận hơn 800 triệu đồng để "nhắm mắt làm ngơ" cho đường dây buôn lậu này.