Doanh nghiệp khó có thể kéo dài "3 tại chỗ"

Lưu Hà
Chia sẻ

Với mỗi doanh nghiệp, phương án "3 tại chỗ"  không đơn giản chỉ là vấn đề ăn, ngủ cho nhân viên mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động ổn định trong một thời gian dài…

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cho biết, họ đang bị “đè” nặng bởi hàng loạt chi phí phát sinh như chi phí duy trì bếp ăn cho công nhân, hậu cần chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa (logistics), cước vận tải biển, nguyên vật liệu… Tất cả đều tăng giá và khó tiếp cận.

GÁNH NẶNG CHI PHÍ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay doanh nghiệp lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển đều tăng từ 5 - 7 lần.

Bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ buộc đóng cửa. Để tìm nguồn cung thay thế, các doanh nghiệp liên tục tìm các nhà cung cấp, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.

Với ngành dệt may, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc thù là ngành có số lượng lao động đông nên rất khó bố trí sản xuất “3 tại chỗ.” Hiện chỉ có khoảng từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may đang nỗ lực duy trì sản xuất, với công suất hoạt động từ 35 - 40%.

Việc gián đoạn sản xuất khiến đầu ra và dòng tiền của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nặng nề. Một số doanh nghiệp không có nguồn tiền để tạm ứng trả lương cho công nhân trước khi có hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi, nhiều hợp đồng thư tín dụng (L/C) với đối tác nước ngoài đến hạn phải thanh toán. Đó là chưa kể, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.

Chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.
Chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch như xét nghiệm, bố trí vật dụng, thiết bị cần thiết để duy trì “3 tại chỗ”… không phải là con số nhỏ.

Bên cạnh chi phí cho việc ăn - ở - sản xuất là gánh nặng chi phí xét nghiệm. Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải cho biết, công ty đã trưng dụng nhiều khu vực tại 2 nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) để làm lấy chỗ ăn ngủ cho 850 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản phục vụ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm hiện nay đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.

"Mỗi kit test nhanh Covid-19 doanh nghiệp mua giá 150.000 đồng để test cho công nhân. Với số lượng hơn 800 nhân viên, theo định kỳ cứ 7 ngày một lần công ty lại phải chi hơn 100 triệu đồng cho khoản xét nghiệm Covid-19. Về lâu dài, không biết chúng tôi có cầm cự được không,” bà Đặng Thị Phương Ninh chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng, bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre, cho biết việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy là rất nặng bên cạnh những chi phí sinh hoạt khác. Lượng công nhân lớn mà phương án sản xuất này kéo dài cả tháng thì chi phí sẽ đội lên cao. “Việc áp dụng “3 tại chỗ” trong thời gian dài có thể khiến doanh nghiệp khó tiếp tục hoạt động,” bà Thảo Viên cho biết.

NHỮNG KIẾN NGHỊ CẤP BÁCH

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho biết, trong lúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ". Việc duy trì sản xuất - kinh doanh trong điều kiện "3 tại chỗ" càng khó khăn hơn vì rất nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lẫn việc tổ chức thu mua, nhập hàng và đặc biệt căng thẳng trong việc chăm lo, ổn định doanh nghiệp. Vì vậy, HUBA đã kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" thế nào để thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.

"Trước đây, thành phố đã ban hành 6 bộ tiêu chí phòng chống dịch cho các doanh nghiệp, nay đề nghị thành phố ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn tổ chức sản xuất theo "3 tại chỗ" cho phù hợp. Tháo gỡ các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, kho bãi, hỗ trợ phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với đó là cung cấp nguồn vốn, chính sách giãn nợ thuế”,  ông Chu Tiến Dũng nói.

Rất nhiều vướng mắc đã phát sinh trong việc chăm lo, ổn định đời sống công nhân và doanh nghiệp.
Rất nhiều vướng mắc đã phát sinh trong việc chăm lo, ổn định đời sống công nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng việc ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên hết sức quan trọng. Một trong những giải pháp để giúp người lao động an tâm sản xuất là được tiêm vaccine. Nhưng hiện nay với khối doanh nghiệp thông tin vẫn chưa rõ ràng, ngành nào, doanh nghiệp nào được tiêm  không ai nắm rõ, khiến tâm lý người lao động và chủ doanh nghiệp rất bất an.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng cho biết HUBA đang nỗ lực kiến nghị với TP.HCM để các doanh nghiệp sớm được tiếp cận nguồn vaccine. Trong đợt 5 tiêm vaccine vừa qua, thành phố ưu tiên cho đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh lý nền, người nghèo, người yếu thế, các tiểu thương, người kinh doanh lẻ cũng như doanh nghiệp  sản xuất hàng thiết yếu (lương thực - thực phẩm).

"Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được xem xét cho các đợt tiếp theo, khả năng vào tháng 8, 9 khi có nhiều vaccine hơn. Hiện thành phố đã quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tiêm vaccine, các doanh nghiệp cần bình tĩnh chờ giải pháp thích hợp từ thành phố," ông Dũng nói. 

Để giữ vững "mục tiêu kép", các doanh nghiệp kiến nghị nên giãn biên độ xét nghiệm định kỳ cho người lao động, bởi khi áp dụng phương án "3 tại chỗ" thì toàn bộ người lao động làm việc trong mỗi nhà máy, xí nghiệp đã có xét nghiệm âm tính và trong thời gian làm việc họ không tiếp xúc với bên ngoài.

Để hỗ trợ cho những doanh nghiệp không thể chủ động về nguồn cung các bộ xét nghiệm (kit), HUBA đã ký hợp tác với Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM để tiến hành xét nghiệm tại doanh nghiệp. Cụ thể, hợp đồng xét nghiệm này được giảm với giá chỉ 280.000 đồng/lần/người. Tiếp đó, HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước thấu hiểu cho doanh nghiệp để đề ra các chính sách, giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn.

 
Theo khảo sát nhanh với 100 doanh nghiệp của HUBA: hiện 42% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 54% khó khăn tiếp cận thị trường, 62% khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, 86% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 do phải cách ly, giãn cách xã hội…  

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con