Doanh nghiệp thuộc ngành nào sẽ dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm?
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản, thép, logistics, phân bón…được dự báo kém khả quan...
Tập đoàn dữ liệu FiinGroup vừa có báo cáo đánh giá triển vọng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp phi tài chính trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của các doanh nghiệp bất động sản nhà ở dự kiến giảm tốc mạnh so với năm 2021. Nhóm bất động sản nhà ở đang chịu ảnh hưởng lớn do hệ lụy từ đợt bùng phát dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua và những thay đổi chính sách về tín dụng/nguồn vốn sau những sự kiện gần đây liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022, nhiều doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Tuy nhiên, áp lực chi phí đầu vào (bao gồm vật liệu xây dựng, chi phí nhân công) duy trì ở mức cao đang là trở ngại lớn cho kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công, vốn được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành, chưa có dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức thấp, đạt 18,5% kế hoạch năm và giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế 2022 của các doanh nghiệp thép được dự báo giảm 18,3%, trong đó riêng HPG (Hoà Phát) lên kế hoạch lợi nhuận giảm13,1% sau khi tăng trưởng mạnh mẽ 155,6% trong năm 2021 nhờ tăng sản lượng và giá bán. Trở lực với tăng trưởng lợi nhuận 2022 của các doanh nghiệp thép bao gồm: Biên EBIT (biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế) đang thu hẹp do giá bán ra liên tục giảm, ngược với chi phí đầu vào tăng lên (giá than luyện coke), trong khi nhu cầu kém tích cực (phần lớn vì ảnh hưởng từ thị trường bất động sản dân cư) và cạnh tranh cao với nguồn nhập khẩu. Xuất khẩu thép cũng đang gặp khó do nhu cầu giảm ở Trung Quốc, một trong top 5 thị trường xuất khẩu chính của HPG, vì chính sách zero-Covid và thị trường bất động sản tại đây không thuận lợi.
Nhóm doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo bứt phá với lợi nhuận sau thuế 2022 có thể tăng rất mạnh tới 123% so với năm 2021. Tuy nhiên, FiinGroup nhận định giá cổ phiếu thuỷ sản đã “hấp thụ” câu chuyện lợi nhuận đột phá. Trong thời gian tới, nhà đầu tư nên lưu ý đến một số yếu tố bất lợi, bao gồm: Xuất khẩu tôm/cá thịt trắng vào Mỹ có thể chững lại do nhu cầu hạ nhiệt và tồn kho tăng; giá xuất khẩu dự kiến giảm do nguồn cung từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador tăng lên (đối với tôm) và dư thừa cung nguyên liệu trong nước trong 3-4 tháng tới (đối với cá tra). Riêng với ANV, yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận là việc nới lỏng giãn cách xã hội ở Trung Quốc, một trong 3 thị trường xuất khẩu chính.
Sau 4 quý liên tục mở rộng, biên EBIT quý 1 của các doanh nghiệp phi tài chính đã sụt giảm so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận lõi.
Điều này cho thấy áp lực chi phí đầu vào bắt đầu xuất hiện và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong các quý tới do độ trễ của nhập khẩu lạm phát.
Nhóm doanh nghiệp phân bón đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh, nhưng giới phân tích dự báo lợi nhuận của nhóm đi ngang (+0,5%) với dự báo giá phân bón bình quân năm nay thấp hơn hoặc tương đương mức 2021. Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng tới 1800% so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu và giá bán tăng mạnh. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi này sẽ khó tiếp diễn trong các quý tới do các cơ quan quản lý đang muốn hạn chế xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa khi vụ Hè Thu bắt đầu và nguồn cung được kỳ vọng tăng lên khi Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu từ tháng 6. Chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than, ammonia) dự kiến tiếp tục ở mức cao so với các năm trước, sẽ kéo biên EBIT giảm xuống vì doanh nghiệp phân bón bị hạn chế khả năng tăng giá bán trong nước do đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá.
Triển vọng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp Logistics được dự báo kém tích cực. Lợi nhuận sau thuế của nhóm này dự dự kiến giảm 14% dựa trên dự báo cước vận tải biển hạ nhiệt trong khi chi phí đầu vào (bao gồm xăng dầu) tăng cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và Trung Quốc có thể kéo dài chính sách zero-Covid, khiến sản lượng vận chuyển giảm.
Tăng trưởng lợi nhuận 2022 của các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến giảm tốc. Ngành Bán lẻ, chi phối bởi nhóm phân phối hàng ICT (bao gồm MWG, DGW, FRT, PET và PSD), đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2022 tăng chậm lại (+22,4%) với dự báo nhu cầu mua laptop hạ nhiệt so với năm 2021 trong khi khó có thể duy trì lợi nhuận đột biến từ các mảng kinh doanh khác như phân phối dược phẩm (với FRT) và thực phẩm (với MWG).