Đón đầu dòng du khách Hồi giáo
Từ mũi tên hướng về Thánh địa Mecca trong khách sạn đến phòng cầu nguyện dành cho du khách tại các sân bay, ngành công nghiệp du lịch toàn cầu đang chuyển động để đón đầu xu thế bùng nổ nguồn khách du lịch Hồi giáo dự kiến sẽ diễn ra trong thập niên tới...
Theo báo cáo về Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI), năm 2023, khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, con số này ước tính khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Do đó, nhiều trung tâm du lịch trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, đang chuẩn bị kỹ lưỡng để đón dòng khách tiềm năng này.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG SẴN SÀNG ĐÓN TIẾP
Với lợi thế có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên thế giới, Việt Nam đang là điểm đến có số du khách Hồi giáo tăng lên đáng kể. Khách Hồi giáo đến Việt Nam phần lớn từ các quốc gia Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, các nước Trung Đông... Đây là những thị trường gần với Việt Nam nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận. Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, nhiều tiềm năng, trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày.
Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam, cho biết du lịch Việt Nam có thể khai thác rất đa dạng các loại hình từ trecking đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng, golf, MICE..., khác với một số quốc gia chỉ du lịch đơn thuần camping, picnic ngoài trời.
“Thường khi đi du lịch, người theo đạo Hồi hay đi cùng nhóm. Nhóm ít nhất là 5 người. Nhóm đông nhất 50 người. Trong quá trình đi du lịch, mức chi phí cho các dịch vụ du lịch của người Hồi giáo lại rất cao, từ 800 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/đêm”, ông Cương cho biết. Vì vậy, nếu giải được bài toán đặc thù về văn hóa cùng nhân sự chuyên biệt, thì thị trường khách du lịch Hồi giáo rất nhiều tiềm năng.
Citilink Airlines (hãng hàng không của Indonesia) sắp tới sẽ mở đường bay từ Jakarta đến Đà Nẵng trong quý 4/2024 với tần suất 2 chuyến/tuần. Tần suất sẽ tăng dần và có thể tiến tới trở thành các chuyến bay thường kỳ sau khi phát triển lượng khách ổn định.
Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho biết đây là thị trường giàu tiềm năng với dân số đông thứ 4 thế giới và đông nhất Đông Nam Á. “Du khách từ Indonesia không quá khắt khe, các dịch vụ gắn nhãn Halal-friend sẽ khuyến khích khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn”, ông Xoang nhận xét. Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng phòng cầu nguyện phục vụ hành khách đạo Hồi từ đầu năm 2023.
Tương tự, ngành du lịch Sa Pa đang nỗ lực nâng cấp, mở rộng năng lực phục vụ các phân khúc du khách mới. Hè năm nay, khách sạn Sa Pa Charm (thị xã Sa Pa) đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc thiết lập các dịch vụ dành cho du khách Hồi giáo.
Bà Đỗ Thị Thanh Tâm, đại diện khách sạn, cho biết đơn vị này đã triển khai 2 tầng với 25 phòng nghỉ có thảm cầu nguyện, có áo lễ dành cho phụ nữ và những điều kiện sinh hoạt phù hợp với khách. Khu vực phòng ăn Halal tại tầng 2 có sức chứa khoảng 350 khách, có bếp ăn Halal được kiểm tra và chứng nhận, có đầu bếp, các nhân viên phục vụ được tập huấn về chế biến thực phẩm và văn hóa Hồi giáo...
Để nắm bắt cơ hội, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tìm kiếm các giải pháp đón dòng khách đặc biệt này. Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh chủ yếu từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Vừa qua, lần đầu tiên, tại TP. Hạ Long, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Khách sạn Delasea Hạ Long tổ chức đón 28 thành viên của đoàn khách du lịch Hồi giáo đến từ Ấn Độ theo phương thức chuyên nghiệp hóa.
Ông Lê Thanh Tam, Giám đốc Khách sạn Delasea Hạ Long, chia sẻ: “Thời gian gần đây, dòng khách Hồi giáo tìm kiếm thông tin về Việt Nam tăng lên hàng nghìn lần. Lượng khách đổ về Hạ Long nói riêng và miền Bắc nói chung cũng tăng rõ rệt. Khách sạn chúng tôi đã mạnh dạn dịch chuyển từng phần những dịch vụ du lịch cao cấp để đón dòng khách này”.
Ngày 17/7/2024, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền TP.HCM, một số doanh nghiệp lữ hành đã thắc mắc liệu ngành du lịch thành phố có chính sách khuyến khích đón đầu xu hướng khách Hồi giáo đang tăng trưởng cao ở các nước. Chẳng hạn, Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2027 đón 80 triệu khách quốc tế, trong đó có đến 1/3 là khách Hồi giáo...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/8/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam