Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thế nào khi chuẩn nghèo thay đổi?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn về những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thu bảo hiểm xã hội tự nguyện để tổ chức thực hiện theo quy định…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022-2025.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quá trình tổ chức thu bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 còn có vướng mắc phát sinh.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo một trong các phương thức 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó thực hiện mức chuẩn nghèo mới (ngày 1/1/2022) thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã nộp.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người tham gia nêu trên đóng trong năm 2022 thì xác định số tiền người tham gia phải nộp như thế nào? Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra ví dụ: ông A đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức 12 tháng, từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.
Ngày 5/1/2022, ông A đóng tiền cho thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022. Trường hợp này áp dụng chuẩn nghèo như thế nào để tính số tiền đóng đối với ông A (đóng cho các tháng của năm 2021 và các tháng của năm 2022)?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, áp dụng mức chuẩn nghèo năm 2021 (700.000 đồng/người/tháng) để tính số tiền đóng cho 2 tháng của năm 2021; áp dụng mức chuẩn ngheo mới (1.500.000 đồng/người/tháng) để tính thu cho 10 tháng của năm 2022.
Lý giải về đề xuất này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, chuẩn nghèo mới thực hiện từ ngày 1/1/2022 và người tham gia nộp tiền trong thời hạn của phương thức đóng đã đăng ký.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nêu ví dụ về các trường hợp vướng mắc khác, chẳng hạn năm 2021, ông B đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức hàng tháng, trong tháng 12/2021 ông B chưa đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tháng 1/2022, ông B có nguyện vọng đóng bù tháng 12/2021. Trường hợp này áp dụng mức thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo cũ (700.000 đồng) hay mức mới là 1.500.000 đồng để tính số tiền phải nộp?
Với những vướng mắc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn để cơ quan này tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện trong năm 2022, do chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 1.490.000 đồng x 20= 29.800.000 đồng/tháng.