Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện: Lao động chưa mặn mà ?
Những rào cản lớn về chính sách như quy định tăng thêm 5 năm đóng từ năm 2022 mới được hưởng lương hưu tối đa; quyền lợi của người tham gia cũng ít hơn bảo hiểm xã hội bắt buộc khiến người lao động còn “lăn tăn” khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay còn rất thấp so với khoảng 35 triệu lao động phi chính thức đang là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật.
PGS. TS Giang Thanh Long, chuyên gia về an sinh xã hội đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, có những rào cản lớn về chính sách làm cho người lao động đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chẳng hạn như, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, từ năm 2022 số năm đóng tăng thêm 5 năm so với quy định trước đây, thì người lao động mới nhận được mức hưởng hưu trí tối đa.
Bên cạnh đó, dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng, nhưng vẫn có một số khác biệt như: chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện thì không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng không có chế độ tuất hàng tháng mà chỉ có tuất một lần…
Dựa trên những thực tế như vậy, PGS. TS Giang Thanh Long cho rằng, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần thay đổi theo hướng tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách phù hợp, để đảm bảo về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại, do tác động của lạm phát theo thời gian.
Đồng thời, cần triển khai các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình) đối với chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau cho phù hợp với các đặc trưng công việc và gia đình. Mặt khác, cũng cần có chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ về cơ hội tiếp cận vốn với nhóm lao động tự làm và chủ cơ sở.
Về các chính sách khác có liên quan, ông Long đề xuất cần có quy định rõ ràng về điều kiện làm việc, tiêu chuẩn làm việc đối với lao động phi chính thức, trong đó đặc biệt chú trọng về tình trạng làm việc mà không có hợp đồng lao động hoặc chỉ dựa vào thỏa thuận miệng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong định hướng chính sách bảo hiểm xã hội đến năm 2030 và dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, vấn đề này cũng sẽ được đề cập để có những điều chỉnh phù hợp nhằm tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo ông Nam, hướng sửa đổi sẽ là tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút và tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua việc tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách này.
Hiện nay, căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, từ 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng của năm 2021. Đồng thời, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên.
Theo đó, đối với người tham gia thuộc: hộ nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng; hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng và đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng.
Trong năm 2022, do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 1.490.000 đồng x 20 = 29.800.000 đồng/tháng.