FDA cấp phép tiêm nhắc lại bằng vaccine Covid-19 của Moderna và Johnson & Johnson
Bất chấp tranh cãi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng việc tiêm nhắc lại sẽ mang lại sự bảo vệ lâu dài và bền vững cho người dân để chống lại nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong trong bối cảnh biến thể Delta vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh...
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 20/10 đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của hãng được Moderna và Johnson & Johnson để tiêm nhắc lại. Đây là động thái quan trọng với chiến dịch tiêm nhắc lại cho hàng chục triệu người đã tiêm đủ liều vaccine theo liệu trình của nhà sản xuất tại Mỹ.
Cùng ngày, các nhà chức trách Mỹ cũng cho phép tiêm kết hợp các loại vaccine, theo đó người dân có thể tiêm mũi nhắc lại với loại vaccine khác loại mà họ đã tiêm ban đầu.
“Các quyết định ngày hôm nay thể hiện cam kết của chúng tôi với sức khỏe cộng đồng trong việc chủ động chống lại đại dịch Covid-19”, Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền Ủy viên FDA, cho biết trong một tuyên bố. “Trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục tác động đến nước Mỹ, khoa học đã chứng mình rằng tiêm vaccine là cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả nhất, bao gồm cả những hậu quả nghiêm trọng nhất của căn bệnh này – ví dụ như nhập viện và tử vong”.
Quyết định cấp phép của FDA được đưa ra sau khi Ủy ban tư vấn về vaccine và sinh phẩm liên quan của cơ quan này tuần trước nhất trí khuyến nghị tiêm nhắc lại với cả vaccine của Moderna và Johnson & Johnson.
Ủy ban này khuyến nghị tiêm nhắc lại bằng vaccine của Moderna cho người già và người trưởng thành có nguy cơ lây nhiễm cao 6 tháng sau khi họ tiêm đủ các mũi theo liệu trình của nhà sản xuất. Trong khi đó, Ủy ban này khuyến nghị tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine của Johnson & Johnson cho tất cả người trên 18 tuổi đã tiêm mũi đầu tiên trong vòng ít nhất 2 tháng trước. So với các loại vaccine khác phải tiêm 2 mũi của Moderna, Pfizer/BioNTech, vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi.
Sau quyết định của FDA, giờ đây phần việc còn lại thuộc về Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) và ủy ban cố vấn của cơ quan này. Ủy ban cố vấn của CDC dự kiến sẽ họp vào ngày 21/5 để thảo luận về dữ liệu thử nghiệm tiêm nhắc lại của Moderna và Johnson & Johnson. Nếu ủy ban này đưa ra khuyến nghị và Giám đốc CDC Rochelle Walensky thông qua, 2 loại vaccine này có thể được đưa vào tiêm ngay cho những người đủ điều kiện. Ủy ban này sẽ biểu quyết vào gày 22/10.
Hiện tại, có khoảng 15 triệu người tại Mỹ đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson và hơn 69 triệu người đã tiêm vaccine của Moderna.
Những người đủ điều kiện cũng có thể tiêm kết hợp các loại vaccine. Một nghiên cứu được mong đợi từ lâu và công bố vào tuần trước của Viện Y tế quốc gia Mỹ, cho thấy việc tiêm kết hợp mũi nhắc lại giúp tăng mức kháng thể, dù mũi nhắc lại của Pfizer và Moderna có vẻ cho hiệu quả cao nhất.
FDA ngày 20/10 cho biết họ xác định rằng có nguy cơ gia tăng các bệnh về tim hiếm gặp, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tiêm sau khi tiêm vaccine của Moderna, đặc biệt là sau mũi thứ hai. Thông thường, các triệu chứng khởi phát sau khi tiêm vài ngày. Theo quan sát, nguy cơ này cao hơn ở nam giới dưới 40 tuổi, đặc biệt trong khoảng từ 18-24 tuổi.
Trước đó, vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép để tiêm nhắc lại cho nhiều đối tượng tại Mỹ, gồm người già, người trưởng thành có bệnh nền và người làm việc hoặc sống trong môi trường có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên bán thực phẩm.
Tiêm nhắc lại là chủ đề gây tranh cãi với các nhà khoa học – cả trong và ngoài các cơ quan của chính phủ Mỹ, đặc biệt là khi nhiều người ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục kêu gọi các nước giàu ngừng tiêm vaccine nhắc lại, trong khi một số nhà khoa học cho rằng không có bằng chứng thuyết phục về việc hầu hết người Mỹ cần tiêm nhắc lại vào lúc này.
Ngay trong ủy ban cố vấn của CDC, một số thành viên cho rằng mũi nhắc là yếu tố quan trọng để bảo vệ các cơ sở y tế khỏi bị quá tải và bảo vệ những người có nguy cơ cao không bị bệnh nặng, trong khi một số khác khuyến nghị rằng người trẻ không cần tiêm nhắc lại.
Bất chấp tranh cãi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai chiến dịch tiêm nhắc lại và kỳ vọng việc này sẽ mang lại sự bảo vệ lâu dài và bền vững cho người dân để chống lại nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong trong bối cảnh biến thể Delta vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh.