Gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng năm 2022
Trong năm 2022 có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), chiếm 46% doanh số khai thác mới…
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), năm 2022, ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tổng số tiền chi trả đạt 44.186 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 592.811 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số lượng hợp đồng cuối năm 2022 đạt 13.921.675 hợp đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu cả năm 178.327 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
KÊNH BANCASSURANCE CHIẾM ƯU THẾ
Năm 2023 được xem là giai đoạn khó khăn, thử thách đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng cũng như toàn ngành kinh tế nói chung trước những biến động của thị trường tài chính trong và ngoài nước.
"Sự tăng trưởng nóng của những sản phẩm bảo hiểm phức tạp là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay. Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết những năm gần đây khá cao, ví dụ năm 2021 tăng tới xấp xỉ 40%. Vì vậy, nên có những từ ngữ phân loại rõ rệt giữa bảo hiểm bảo vệ và bảo hiểm đầu tư, những “mô đun” giúp khách hàng có thể nhìn trực tiếp phân biệt được, nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc xác định nhu cầu của bản thân".
Luỹ kế đến 3 tháng đầu năm 2023, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 636.585 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 141.235 tỷ đồng, tăng 21%.
Tổng số lượng hợp đồng cuối kỳ ước đạt 13.686.362 hợp đồng, tăng 3,5%. Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận từ IAV, thời gian qua những phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng như những hạn chế liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng đang có xu hướng gia tăng.
Hiện tại, cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức. Trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Số liệu từ IAV cho thấy, trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới.
Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số. Trong đó 36,3% tổng số hợp đồng khai thác mới trong năm 2022 là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, 21,9% là liên kết đơn vị.
Tại buổi chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ diễn ra hôm 24-4 vừa qua tại TP.HCM, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), nhận định rằng sự tăng trưởng nóng của những sản phẩm phức tạp này (bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đầu tư) là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay. "Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết những năm gần đây khá cao, ví dụ năm 2021 tăng tới xấp xỉ 40%", ông Dũng nói thêm.
Liên quan đến tỷ lệ duy trì qua năm thứ hai (K2), nhiều hợp đồng không còn duy trì khiến doanh số chung của bảo hiểm giảm đi. Riêng về tỷ lệ K2, dưới góc độ cá nhân là người làm trong ngành, ông Dũng và IAV mong muốn được công khai sớm trong thời gian tới, để khách hàng có thể nắm được thông tin rõ hơn và an tâm hơn khi mua bảo hiểm qua kênh liên kết này.
Về việc hoa hồng cho nhân viên ngân hàng lên đến 40 - 50%, đại diện IAV cho biết hiện nay theo quy định của Bộ Tài chính hoa hồng năm đầu vào mức 20 - 40%, năm thứ hai là 7 - 15% và năm thứ ba khoảng 2 - 3%. Đa phần doanh nghiệp trả hoa hồng theo quy định của Bộ Tài chính, ngoài ra có thể thưởng thêm theo hiệu quả, năng suất bán hàng.
“Nếu cộng thêm thưởng nữa thì con số 40 - 50% là có thật, nhưng thường chỉ rơi vào năm thứ nhất, khái niệm cao hay thấp khá tương đối. Còn việc chỉ tiêu (KPI) ngân hàng áp cho nhân viên của họ là chuyện nội bộ ngân hàng, công ty bảo hiểm không can thiệp được”, ông Dũng cho biết.
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG
Trong năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ghi nhận hơn 3.100 đại lý vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: làm song song hai doanh nghiệp bảo hiểm, sai phạm về kê khai tài chính, tuyên truyền quảng cáo sai sản phẩm và dịch vụ… Trong 3 năm trở lại đây, con số vi phạm đã tăng lên hơn 9.000 trường hợp.
“Trải qua hơn 24 năm qua, đây là năm khủng hoảng lớn nhất của thị trường bảo hiểm liên quan đến niềm tin khách hàng, nếu doanh nghiệp không có sự thay đổi sẽ khó tồn tại và phát triển. Để giải quyết những vấn đề hiện tại cần có sự phối hợp của tất cả các bên. Mong rằng cơ quan nhà nước sẽ sớm hoàn thiện hóa cơ chế chính sách của bảo hiểm, ban hành nghị định hướng dẫn trong thời gian sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, IVA cũng đưa ra khuyến nghị cần xác định được nhóm khách hàng dễ bị tổn thương bơi những quy định của bảo hiểm. Tăng cường sự tương tác của các doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng bằng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), thanh toán online,… nhằm hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát chất lượng tư vấn trên kênh bancassurance, Hiệp hội cũng đưa ra những giải pháp nhằm tăng tính minh bạch và chất lượng của kênh. Trong đó, cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ kĩ năng cho nhân viên bảo hiểm của kênh này.
Ngoài ra, phía ngân hàng cần đưa ra những quy định xử phạt, kiểm soát nhân viên trong từng nhóm hành vi, những biện pháp xử lý vi phạm. Cần tăng cường về quy định kiểm soát nội bộ. công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin bất thường đến khách hàng.
“Nên có những từ ngữ phân loại rõ rệt giữa bảo hiểm bảo vệ và bảo hiểm đầu tư, những “mô đun” giúp khách hàng có thể nhìn trực tiếp phân biệt được, nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc xác định nhu cầu của bản thân”, ông Dũng nói thêm.
Đối với khách hàng mua bảo hiểm, ông Dũng chia sẻ mỗi cá nhân cần xác định rõ nhu cầu của mình, kiên định quan điểm không mua những hợp đồng ngoài nhu cầu của mình. Nếu để đầu tư thì cần phân bổ hợp lý, cần đọc kĩ những quyền lợi của bảo hiểm và tìm hiểu những vấn đề xảy đến.
“Khách hàng nên ghi âm cuộc gọi, quá trình tư vấn bảo hiểm để có thể làm bằng chứng nếu được tư vấn sai và phát hiện hành vi lừa gạt, nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân”, ông Dũng nhấn mạnh.