Gắn kết du lịch – thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương

Vũ Khuê
Chia sẻ

Rất nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá - du lịch gắn với sản phẩm đặc sản địa phương đã thúc đẩy tiêu thụ, đem lại giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng…

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) được khách du lịch ưa chuộng.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) được khách du lịch ưa chuộng.

Hà Giang đã lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ du lịch như: Chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, hồng không hạt.

Đồng thời, khai thác một số sản phẩm du lịch mới, khác biệt để tạo điểm nhấn, như: Khảo sát, lựa chọn một số cơ sở sản xuất công nghiệp đủ điều kiện đưa vào tua du lịch lồng ghép thăm quan các danh lam, thắng cảnh; cung cấp hình ảnh, nội dung thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình du lịch sát với mùa vụ từng địa phương...

Các đặc sản của Tuyên Quang như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang,… đã được du khách khắp cả nước biết đến. Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa hoạt động "Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” trở thành hoạt động thường niên…

Đây là những thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại toạ đàm “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch” mới đây.

TẠO GIÁ TRỊ GIA TĂNG LỚN HƠN CHO NÔNG SẢN

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, là một tỉnh có thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn.

Những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh bắt đầu quan tâm đến chất lượng hàng hóa, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của tỉnh được tiêu thụ qua rất nhiều cái kênh phân phối. Đặc biệt để đẩy mạnh tiêu thụ, trong năm qua tỉnh đã gắn việc phát triển du lịch - văn hóa với tiêu thụ các sản phẩm của Tuyên Quang.

Gắn kết du lịch – thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương - Ảnh 1

Thông qua các lễ hội như Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hàng năm đã thu hút du khách đến tham quan rất nhiều. Khi đến lễ hội, du khách được trải nghiệm trực tiếp nơi sản xuất, chế biến những đặc sản của tỉnh, biết được đằng sau sản phẩm là những câu chuyện về lịch sử, văn hoá của đồng bào dân tộc. Điều này cũng làm tăng giá trị của sản phẩm địa phương.

“Tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán được, giới thiệu được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt là các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng”, ông Liễn chia sẻ.

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng được biết đến với các sản phẩm đa dạng và phong phú như trang phục truyền thống của các dân tộc, túi, khăn hay là gối được thêu dệt tỉ mỉ và vô cùng khéo léo. Ông Võ Văn Tài, Giám đốc công ty, nhớ lại rằng khi Sa Pa trở thành một điểm du lịch quốc gia, ban đầu những sản phẩm của Lan Rừng chỉ biết tới là quà tặng thì giờ đây nó trở thành một sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, đó là sản phẩm trang trí nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn…

Đặc biệt, ngoài việc đến Sa Pa du lịch, du khách còn được thăm quan khu nghề Thổ cẩm Lan Rừng, được trải nghiệm dệt, thêu hoặc tập vẽ sáp ong trên những tấm vải hay là tập nhuộm chàm… Chính điều này vừa thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, vừa quảng bá được văn hóa thổ cẩm địa phương Việt Nam ra thế giới.

CẦN CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP ĐỂ BIẾN TIỀM NĂNG THÀNH LỢI THẾ HỮU HÌNH

Tuy vậy thực tế triển khai cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm thông qua các sự kiện du lịch – văn hoá chưa phát huy hết tiềm năng. Công tác xúc tiến thương mại chưa thực hiện thường xuyên khiến nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời tới khách du lịch...

Mặt khác, ông Liễn cho rằng việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm địa phương với các hoạt động văn hoá du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như tập quán sản xuất của bà con nông dân vẫn là tự phát, chưa có những sản phẩm thực sự tuân theo quy trình sản xuất. Có những sản phẩm có sức tiêu thụ rất tốt nhưng số lượng hạn chế. Nhãn mác, bao bì sản phẩm chưa độc đáo, hấp dẫn, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu…

Vì vậy rất cần có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để biến tiềm năng đó thành lợi thế hữu hình, để thực sự giúp các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiêu thụ rộng khắp.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp và cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, rõ ràng hai lĩnh vực này kết hợp với nhau sẽ giúp cho hai thế mạnh đó được tôn vinh lên, hiệu quả kinh tế - xã hội gia tăng.

Do đó, rất cần có những doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phong, dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp, đồng bào dân tộc có ý thức hơn trong vấn đề cung cấp sản phẩm theo hợp đồng, tuân thủ những cam kết, bảo vệ môi trường, đảm bảo uy tín với khách hàng, có được những sản phẩm đặc thù hơn, có giá trị giá cao hơn…

Bên cạnh đó là vai trò của địa phương, bộ ban ngành liên quan trong phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển, tiêu thụ các sản phẩm vùng miền. Cần phải hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau. Hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng cần phải được mở rộng hơn.

Đặc biệt, ông Phong nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho sản phẩm, phải thổi hồn văn hóa địa phương vào các sản phẩm. “Mỗi một sản phẩm là một câu chuyện, là lịch sử, nếu chúng ta thổi hồi vào nó và lan tỏa nó thì chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách hơn rất nhiều, thậm chí giá trị đạt được trong bán hàng cũng sẽ cao hơn”, ông Phong gợi ý.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con