Giá dầu có thể tạo áp lực lạm phát đến mức nào trong năm 2022?
Ở kịch bản kém khả quan, mức bình quân giá dầu của năm 2022 vào khoảng 120 USD/thùng, cao hơn 70% so với cùng kỳ, khi đó lạm phát bình quân có thể tiến về mức 5,0%...
Đánh giá về kinh tế vĩ mô trong nước trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VDSC cho rằng, thỏa thuận cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Liên Minh EU đã tiếp tục đẩy giá dầu thế giới trở lại vùng 120$/thùng trong bối cảnh Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại và liên tiếp đưa ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơn sốt trên thị trường dầu cho đến nay vẫn chưa dừng lại. Giá dầu Brent trung bình 5 tháng đầu năm nay đã ở mức 102 USD/thùng, cao hơn 62% so với mức bình quân của cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh này, giá xăng dầu trong nước đã tăng khoảng 49% so với cùng kỳ nhờ việc giảm thuế xăng dầu và sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo đó, chỉ số giá giao thông đóng góp 1,5 điểm % vào mức tăng bình quân 2,25% của chỉ số CPI chung.
Trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu duy trì ở mức 120 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm, giá dầu Brent bình quân cả năm ước đạt 113 USD/thùng, cao hơn 60% so với cùng kỳ. Trên cơ sở này, chỉ số giá giao thông kỳ vọng đóng góp 2,0 điểm % vào mức tăng CPI chung, sự phục hồi của cầu tiêu dùng và chi phí xăng dầu, nguyên vật liệu tiếp tục đẩy vào giá bán sẽ khiến cho lạm phát bình quân năm 2022 đạt 4,5%, theo ước tính.
Một kịch bản kém khả quan hơn là nếu dầu tăng về vùng 150 USD/thùng mà lịch sử giá dầu từ 1970 đến nay chỉ có một lần duy nhất dầu tăng vọt lên vùng giá này vào thời điểm tháng 6/2008 đi cùng sau đó là cú lao dốc nhanh và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, VDSC kỳ vọng mức bình quân giá dầu của năm 2022 vào khoảng 120 USD/thùng, cao hơn 70% so với cùng kỳ, khi đó lạm phát bình quân có thể tiến về mức 5,0%.
Trong giai đoạn này, giá cả trong nền kinh tế có thể tăng cao hơn con số thống kê, chẳng hạn như ước tính về lạm phát trong lĩnh vực bán lẻ là 3,4%. Về lý thuyết, giá cả tăng cao sẽ làm giảm sức mua trong nền kinh tế. Theo quan sát, điều này đang thể hiện ở các nền kinh tế lớn trong các tháng tiếp theo, tại Việt Nam, việc thắt chặt chi tiêu hơn có lẽ thể hiện nhiều hơn ở nhóm hàng giá trị cao hơn là các hàng hóa trong thiết yếu và nhu cầu du lịch giải trí sau hai năm đóng cửa vì dịch bệnh.
Về tăng trưởng, mặc dù rất nhiều rủi ro từ bên ngoài đang đe dọa sự phục hồi của kinh tế trong nước, song không quá bi quan về triển vọng nền kinh tế trong nửa cuối năm, cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2022 gồm sự phục hồi lĩnh vực tiêu dùng tiếp diễn; sự bền bỉ của khu vực sản xuất và xuất khẩu; mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.