Giá vàng giảm do nhà đầu tư chốt lời, sắp hoàn tất quý tăng mạnh nhất 8 năm
Trong quý 3 này, giá vàng thế giới đã tăng 14%, mức tăng mạnh nhất trong một quý kể từ quý 1/2016...
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/9) do áp lực từ hoạt động chốt lời, nhưng đang tiến tới hoàn tất quý tăng mạnh nhất 8 năm nhờ triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, đặc biệt là sự xoay trục chính sách tiền tệ ở Mỹ.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 15,6 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 0,58%, còn 2.658,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 79,3 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Cả tuần này, giá vàng thế giới quy đổi tăng 1,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã liên tục lập kỷ lục trong 4 phiên giao dịch đầu tiên của tuần này. Trong đó, đỉnh cao mọi thời đại của giá vàng giao ngay là mức 2.685,42 USD/oz ghi nhận vào phiên ngày thứ Năm.
Trong quý 3 này, giá vàng đã tăng 14%, mức tăng mạnh nhất trong một quý kể từ quý 1/2016. Năm nay, giá vàng đã tăng 29%, mức tăng mạnh nhất trong một năm trong vòng 14 năm trở lại đây.
Phiên cuối của tuần, nhà đầu tư nhận được số liệu khả quan về lạm phát, điểm dữ liệu có thể mang tới thêm lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất. Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ chỉ thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 0,1% trong tháng 8, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tăng 2,2%, thấp hơn mức dự báo là tăng 2,3%.
Sau khi báo cáo được công bố, thị trường tăng nhẹ đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất mạnh tay trong cuộc họp tháng 11. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 54% Fed chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, và gần 46% đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn có một phiên giảm do nhiều nhà đầu tư tiến hành hiện thực hóa lợi nhuận ở vùng giá kỷ lục.
Dù vậy, một số tổ chức dự báo và chuyên gia tin rằng giá vàng có khả năng đạt mức 3.000 USD/oz trong tương lai không xa.
“Mốc 3.000 USD/oz hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực trong năm nay. Có nhiều yếu tố có thể ‘tiếp lửa’ cho thị trường vàng”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.
“Đàm phán hòa bình ở Trung Đông có thể đổ vỡ, thị trường việc làm của Mỹ có thể tiếp tục suy yếu, Fed có thể giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và lần tới, và Trung Quốc có thể tăng cường kích cầu”, ông Streible nói thêm, cho rằng đây là những yếu tố có thể hỗ trợ giá vàng tăng cao hơn.
Giá vàng tăng cao đang làm suy yếu nhu cầu vàng vật chất ở hai nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều người tiêu dùng ở hai quốc gia này đã bán vàng thay vì mua vàng trong tuần này, hãng tin Reuters cho hay.
Trong khi đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) - một trụ cột về nhu cầu - chỉ mua ròng nhẹ trong tuần trước và chưa đóng góp nhiều vào xu hướng tăng của giá vàng. Dù vậy, giới phân tích dự báo các quỹ này sẽ mua nhiều vàng hơn trong những tháng tới. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hiện đang nắm giữ gần 872 tấn vàng - theo dữ liệu từ webiste của quỹ.
“Hoạt động đầu cơ, nhất là trên thị trường vàng tương lai, đã thúc đẩy đợt tăng giá này của vàng. Nhưng để giá vàng tăng cao hơn, mối quan tâm của nhà đầu tư phương Tây đối với vàng cần lớn hơn. Việc các quỹ ETF mua ròng nhẹ vàng là một sự khởi đầu tốt”, chiến lược gia John Reade của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định.