Giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid toàn cầu: Chuyển từ đếm số ca sang sống chung với virus

An Huy
Chia sẻ

Hiện nay, khi các nước giàu đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho một tỷ lệ lớn dân số, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao, mối liên kết giữa số ca nhiễm mới và số ca tử vong có vẻ đã suy giảm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau hơn một năm theo dõi chặt chẽ số ca nhiễm Covid-19, các nhà dịch tễ học bắt đầu chuyển trọng tâm, trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid toàn cầu bước vào một giai đoạn mới.

Hiện nay, khi các nước giàu đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho một tỷ lệ lớn dân số, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao, mối liên kết giữa số ca nhiễm mới và số ca tử vong có vẻ đã suy giảm. Bởi vậy, theo hãng tin Bloomberg, trọng tâm vào lúc này là học cách sống chung với virus, và xác định đâu là dữ liệu quan trọng nhất về đại dịch nhằm tránh phải áp dụng các biện pháp phong toả.

“Có thể sẽ đến lúc chúng ta chỉ cần theo dõi số ca nhiễm phải nhập viện điều trị”, nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo thuộc Trung tâm nguồn lực chống virus corona thuộc Đại học Johns Hopkins nhận định.

BÀI KIỂM TRA Ở NƯỚC ANH

Trước khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra ở Anh, Mỹ và châu Âu, mỗi đợt tăng vọt về số ca nhiễm mới thường đồng nghĩa với sự leo thang của số ca nhập viện và số ca tử vong trong suốt nhiều tuần liên tiếp. Áp lực đè nặng lên hệ thống y tế khiến lãnh đạo các quốc gia này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp hạn chế đối với đời sống công cộng. Những biện pháp như vậy giúp chống lại sự lây lan của virus, nhưng đồng thời cũng gây gián đoạn các hoạt động kinh tế và đi lại.

 

“Chúng ta đang tiến tới sống chung với virus này như sống chung với virus cúm”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock

Giờ đây, các nhà khoa học và giới chức chính phủ đang sốt sắng chờ xem liệu tiêm chủng có giúp phá vỡ vòng tròn đó hay không. Những gì diễn ra ở Anh được coi là “bài kiểm tra” quan trọng nhất tính đến thời điểm này.

Theo dữ liệu của Bloomberg, khoảng 46% dân số Anh hiện đã được tiêm phòng đầy đủ, giúp giảm số ca tử vong hàng ngày vì Covid ở nước này xuống mức thấp nhất kể từ từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, số ca nhiễm biến chủng Delta, loại có khả năng lây nhiễm cao hơn và được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, gần như tăng gấp đôi trong tuần qua – theo dữ liệu mà cơ quan y tế Anh công bố hôm thứ Sáu. Số ca nhập viện cũng tăng lên, nhưng chủ yếu là những người chưa tiêm phòng đầy đủ.

Hôm thứ Hai tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson gia hạn các biện pháp phong toả thêm 4 tuần để tăng tỷ lệ dân số được tiêm đủ 2 mũi trước khi dỡ phong toả. Dữ liệu cho thấy việc tiêm đủ hai mũi giúp tăng mạnh khả năng chống lại biến chủng mới. Tuy nhiên, ngay cả khi virus tiếp tục lây lan ở trẻ em và những người trẻ chưa tiêm vaccine, thì “bài kiểm tra” thực sự đối với chiến dịch tiêm chủng của Anh vẫn sẽ là liệu số ca nhập viện và số ca tử vong có giảm xuống thấp hay không.

Nếu điều đó đạt được, Covid có thể sẽ không còn là một đại dịch nằm ngoài khả năng kiểm soát của thế giới, mà sẽ giống như một loại dịch theo mùa như bệnh cúm.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, đó chính là mục tiêu.

“Chúng ta đang tiến tới sống chung với virus này như sống chung với virus cúm”, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock nói trước Quốc hội nước này mới đây.

Các nhà khoa học nói rằng việc so sánh mức độ phổ biến của Covid với virus cúm – căn bệnh khiến khoảng 650.000 người trên toàn cầu tử vong mỗi năm – sẽ là một thước đo quan trọng trong mùa thu đông năm nay. Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,8 triệu người trên toàn cầu kể từ đầu năm 2020, nhưng có thể sẽ đến lúc các quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ ứng phó với những đợt bùng phát của Covid tương tự như cách họ ứng phó với bệnh cúm, và đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp.

“Việc so sánh ảnh hưởng của Covid với ảnh hưởng của cúm mùa là phù hợp khi nói về những biện pháp như đóng cửa trường học”, bà Nuzzo nói. “Chúng ta vẫn làm gì với bệnh cúm? Liệu chúng ta có làm như vậy trong một đợt dịch cúm mùa hay không?”

MỘT SỰ THẬT PHẢI CHẤP NHẬN: COVID SẼ LUÔN ĐỘT BIẾN

Trong một dấu hiệu lạc quan về đại dịch – hoặc cũng có thể đã quá mệt mỏi vì đại dịch – khoảng hơn 20 tiểu bang ở Mỹ đã giảm tần suất công bố dữ liệu Covid. Bang Florida hiện nay chỉ còn công bố mỗi tuần một lần.

Tuy nhiên, tại phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, giới chức y tế vẫn theo sát số ca nhiễm. Trước đây, Trung Quốc và Đài Loan đã chứng kiến số ca nhiễm mới giảm gần như về 0, nhưng sự chậm chạp trong tiêm chủng đã khiến những ổ dịch bùng phát dù nhỏ cũng bị xem như nguy cơ lớn.

Các quốc gia sẽ phải chấp nhận sự thật rằng Covid sẽ đột biến như các virus khác, chẳng hạn virus cúm, và phải đưa các biến chủng mới vào cập nhật vaccine mỗi khi chúng xuất hiện. Đó có thể sẽ là cách mà thế giới chung sống với Covid.

Ở Đài Loan, sau một năm tương đối yên bình với chỉ vài ca nhiễm mỗi ngày, số ca nhiễm mới hàng ngày bất ngờ tăng vọt lên tới 723 ca vào tháng 5 vừa qua. Chính quyền Đài Loan đã phải đóng cửa các cơ sở vui chơi giải trí, hạn chế tụ tập ngoài trời… để ngăn sự lây lan của virus.

“Nhìn vào trường hợp Đài Loan, nơi từng được coi là chống dịch tốt nhất thế giới, có thể thấy sự mong manh. Chúng ta không thể thư giãn chừng nào chưa tiêm chủng cho phần lớn dân số”, bà Nuzzo nói.

Với dân số khoảng 24 triệu người, Đài Loan đến nay mới chỉ tiêm được hơn 1 triệu liều vaccine. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đã cán mốc 1 tỷ liều vaccine được tiêm, con số đủ để bao trùm khoảng 1/3 dân số nếu mỗi người tiêm đủ 2 mũi.

Nhưng ngay cả ở những quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ, số ca nhiễm mới vẫn có một ý nghĩa quan trọng. Virus càng lây lan nhiều thì càng có khả năng đột biến thành những biến chủng mới, có thể nguy hiểm hơn và có khả năng kháng lại những vaccine hiện có.

Những người nhiễm biến chủng Delta có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với những người nhiễm biến chủng Alpha – loại được phát hiện lần đầu ở Anh, theo các nhà khoa học Scotland. Vaccine có thể kiểm soát biến chủng Delta một cách hiệu quả, nhưng nguy cơ đối với hệ thống y tế vẫn có thể tăng lên nếu virus đột biến thành những dạng mạnh hơn.

Tuy nhiên, việc giảm số ca nhiễm về 0 được xem là một việc bất khả thi trong tương lai gần, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Các quốc gia sẽ phải chấp nhận sự thật rằng Covid sẽ đột biến như các virus khác, chẳng hạn virus cúm, và phải đưa các biến chủng mới vào cập nhật vaccine mỗi khi chúng xuất hiện. Đó có thể sẽ là cách mà thế giới chung sống với Covid.

“Chúng ta sẽ phải chung sống với sự thật là sẽ có những biến chủng mới”, nhà dịch tễ học Marc Baguelin thuộc Đại học Hoàng gia London phát biểu. “Đó là một điều luôn xảy ra”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con