Giáo sư Australia nêu 3 câu hỏi để Việt Nam hút vốn vào tăng trưởng xanh
Đánh giá cao thành quả “đáng kinh ngạc” của Việt Nam trong nỗ lực tái cấu trúc thị trường tài chính nhiều năm qua, GS. Jonathan A. Batten, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne cho rằng để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, Việt Nam phải trả lời được 3 câu hỏi…
Chia sẻ với VnEconomy bên lề Hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” lần thứ nhất do Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức cuối tuần qua, GS. Jonathan cho biết ông có cơ hội tham gia phái đoàn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để trao đổi với Việt Nam về phát triển thị trường tài chính cách đây 20 năm.
Ông nhận thấy Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ trong xây dựng và phát triển thị trường. “Nỗ lực tái cấu thị trường tài chính của Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt kết quả đáng kinh ngạc”, ông nói.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, GS. Jonathan cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là phải thiết kế, tạo dựng một khung khổ chính sách phù hợp để hút vốn đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển biển vững.
“Trong đó, Việt Nam phải trả lời được 3 câu hỏi chính”, Giáo sư Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne khuyến nghị.
Thứ nhất, xem xét nguồn lực tài chính có đủ để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, nhu cầu hạ tầng của Việt Nam có đáp ứng cho tăng trưởng xanh trong những năm tới.
Thứ ba, xác định các công cụ tài chính và chính sách thích hợp để dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.
Theo GS. Jonathan, dù các nhà đầu tư quốc tế đã có mặt tại Việt Nam nhưng dòng vốn trong lĩnh vực tăng trưởng xanh vẫn chưa chảy mạnh vào Việt Nam do còn một số vướng mắc. Trong đó, theo Giáo sư, để thực sự hút vốn vào lĩnh vực này, Việt Nam cần phải có danh mục các dự án cụ thể kêu gọi vốn đầu tư chất lượng như trang trại xanh, nhà máy điện, năng lượng tái tạo…
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Do đó, việc thiết lập quan hệ đối tác công bằng, đối tác công-tư và nhiều bên hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết.
Các ngân hàng phát triển đa phương, các đối tác phát triển, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ toàn cầu ngày càng đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong huy động và cung cấp các nguồn đầu tư, tài chính xanh, các nguồn lực công nghệ và con người cho phát triển.
Những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực và tích cực mở rộng tài chính xanh, phát triển trái phiếu xanh nhưng vẫn ở trong giai đoạn đầu. Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ cân nhắc triển khai nhiều giải pháp như khuyến khích cung cấp tín dụng xanh, bổ sung tài chính cho các dự án xanh của ngân hàng; đẩy mạnh hỗ trợ người vay cho dự án xanh thông qua các chương trình tài trợ, bảo lãnh, hoàn thuế... thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị...
Hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” (Entrepreneurship, Finance and Innovation Symposium - EFIS) lần thứ 1 do Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức trong các ngày 1-2/12/2022.
Tham dự Hội thảo có 80 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ hơn 10 quốc gia như CH. Pháp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Ba Lan, Trung Quốc, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, và Lebanon. Hội thảo quốc tế thường niên EFIS được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề, những thách thức trong đổi mới, kinh doanh và tài chính.
Các chủ đề chính của Hội thảo gồm có: Ứng dụng AI, Dữ liệu lớn và Máy học trong Tài chính; Mô hình kinh doanh và đổi mới sáng tạo; Huy động vốn từ cộng đồng; Chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp; Tài sản tiền điện tử; Tài chính và ngân hàng kỹ thuật số; Đổi mới kỹ thuật số và quản lý tri thức; Nguồn nhân lực kỹ thuật số; Thị trường điện tử và nền tảng giao dịch; Khởi nghiệp/Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đổi mới Kỹ thuật số; Tài chính số; Chiến lược tăng trưởng theo định hướng đổi mới; Quản lý đổi mới; Quản trị và tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao; Tiền điện tử; Cho vay P2P; Tính bền vững trong Thế giới số; …