GS.TS Hoàng Văn Cường: Vốn không thiếu, sao doanh nghiệp không đầu tư được?
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã nêu ra những thực tế khiến các yếu tố của tổng cầu trong nước dù luôn sẵn sàng song chưa phát huy được hết tác dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy quá trình tăng trưởng...
Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" sáng 11/7, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng mối quan hệ giữa tổng cầu với tăng trưởng đã được nhìn nhận từ lâu. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm vừa rồi và đến hội thảo hôm nay, chúng ra mới nhìn thấy rõ hơn vai trò đó.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, điều này thể hiện rõ ở việc trong khi các nguồn lực đầu vào của sản xuất trong 6 tháng năm 2023 tốt hơn rất nhiều so với năm 2022 nhưng kinh tế không tăng trưởng được, đó là vì vấn đề mất cân đối tổng cầu.
Vì vậy, vấn đề cần nghĩ đến hiện không chỉ là tái cấu trúc sản xuất mà còn ở tổng cầu. Tại tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra trong 4 yếu tố của tổng cầu quyết định đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thì có 3 yếu tố trong nước, trong đó cầu của Chính phủ tăng hơn 38%, tổng vốn đầu tư tăng thêm, tốc độ giải ngân dù năm nay chậm nhưng vẫn tăng hơn năm 2022 khoảng 15%.
Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng của người dân năm nay cũng đang mở hoàn toàn; cầu về đầu tư doanh nghiệp cũng vậy, các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp đều đã được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để dành cho doanh nghiệp, có lẽ vốn lúc này không thiếu, thậm chí dư thừa, doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu nghịch lý.
Từ những phân tích trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng rõ ràng 3 khu vực cầu trong nước mặc dù dường như luôn sẵn sàng nhưng chưa phát huy được tác dụng, chỉ có duy nhất cầu liên quan đến xuất nhập khẩu và cán cân thương mại, nhưng nếu bị suy giảm sẽ kéo theo cả 3 cầu trên bị đình trệ.
Cũng theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, khi 3 cầu này suy giảm thì vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn là việc tái cấu trúc của nền kinh tế có lẽ đang bị lệ thuộc quá lớn vào các yếu tố bên ngoài.
“Xu hướng tái cấu trúc tổng cầu là cần thiết nhưng tái cấu trúc nền kinh tế vẫn cần đặt vấn đề lại mặc dù chúng ta đã nói cách đây 2 thập kỷ nhưng đến thời điểm này, vì có lẽ chưa đạt được các mục tiêu đề ra, tôi nghĩ rằng cần nhìn nhận thấu đáo hơn”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đối với một vấn đề rất trực tiếp đến quá trình kích cầu là chính sách tài chính tiền tệ, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng chính sách này cần thực hiện một cách linh hoạt, vì trước mắt vẫn còn nhiều rủi ro đe dọa có thể xảy ra. Mặt khác, cần sử dụng hỗ trợ của chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất nhưng phải đi vào đúng khu vực để tránh những nguy cơ, mối đe dọa mất an toàn của nền kinh tế.
Về chính sách tài khóa, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả cũng cần tái cấu trúc. “Ở đây không chỉ dừng lại giữa việc phân bổ đầu tư trung ương với đầu tư địa phương để tập trung vốn, mà có lẽ phải nghĩ đến chính sách tài khóa của Chính phủ hỗ trợ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc tổng cầu và cung, nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Tái khẳng định các ý kiến góp ý của các chuyên gia tại hội thảo là rất giá trị, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết, ban thư ký toạ đàm sẽ tổng hợp thành bản đề xuất, kiến nghị gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
“Chủ đề của Tọa đàm hôm nay rất trúng, không chỉ đáp ứng yêu cầu trong ngắn hạn 6 tháng cuối năm nay mà còn đặt ra rất nhiều vấn đề chúng ta phải nghĩ đến trong tái cấu trúc nền kinh tế”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh thêm.