Hà Nội: Gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Thống kê của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 9/2022, toàn thành phố còn gần 79.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội của gần 1 triệu người lao động với số tiền hơn 5.101 tỷ đồng...
So với cùng kỳ năm trước, số tiền nợ bảo hiểm xã hội giảm gần 183 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm 8,87% tổng số tiền cần thu. Đáng chú ý, số nợ phải tính lãi là hơn 1.813 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó có tới 3.543 đơn vị nợ kéo dài từ 2 năm trở lên với số tiền nợ hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 138 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Tại hội nghị đối thoại giữa Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội với các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra hồi cuối tháng 10, đại diện một số đơn vị sử dụng lao động cho biết, việc nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến giảm sâu doanh thu hoặc thua lỗ nên không đủ khả năng tài chính.
Một số đơn vị, doanh nghiệp tuy không thua lỗ, nhưng do chưa thu được nợ từ phía đối tác nên tạm thời khan hiếm dòng tiền vận hành bộ máy, trong đó có việc chi lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ngoài những yếu tố khách quan, việc nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn có phần xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là tình trạng người sử dụng lao động cố tình nợ đóng hoặc đóng không đúng thời gian, không đủ số lượng lao động đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp coi việc nợ bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vừa ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, vừa ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Đặng Trần Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 - Cienco1 cho biết, đến thời điểm này, công ty đang nợ bảo hiểm xã hội 21,4 tỷ đồng trong thời gian 94 tháng, nên không ai muốn làm việc lâu dài. Hiện công ty có thể tạo việc làm và bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho khoảng 100 lao động, nhưng thực tế chỉ có 7 lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo ông Dũng, để thể khắc phục các khoản nợ kéo dài, trước hết doanh nghiệp đang nợ đóng phải tồn tại, phát triển và có lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp muốn hoạt động, phải có người lao động làm việc trong mọi quy trình. Do đó, ông Dũng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp “khoanh nợ” trong một khoảng thời gian nhất định đối với những đơn vị, doanh nghiệp có khả năng trả nợ.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Giám đốc điều hành Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, quy trình tính toán số tiền nợ, thời gian nợ đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện tự động trên hệ thống bảo hiểm xã hội và đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Các cơ quan chức năng không thể “khoanh nợ”, càng không thể giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo trong khoảng thời gian doanh nghiệp nợ gốc. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động cần hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội.
Còn về góc độ thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm tại các quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội. Theo mức độ vi phạm, các đơn vị nợ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại, tập trung đôn đốc thu nợ. Những doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra nợ đóng bảo hiểm xã hội, nếu chủ động khắc phục, các cơ quan chức năng sẽ dừng thanh tra.