Hải Phòng tăng trưởng không như kỳ vọng trong nửa đầu năm 2023
6 tháng đầu năm, Hải Phòng thu ngân sách đạt hơn 46.490 tỷ đồng, giảm 15,17% so với cùng kỳ, bằng 44,41% dự toán Trung ương giao. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 69,10 triệu tấn, giảm 3,44% so với cùng kỳ...
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết dù chịu tác động tiêu cực trong bối cảnh chung trên thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Hải Phòng vẫn đang duy trì mức tăng trưởng trong tốp đầu cả nước, GRDP đứng thứ 3, giải ngân đầu tư công đạt 54% cao hơn bình quân chung. Tuy nhiên, so với kế hoạch còn một số hạn chế, cần tập trung để đưa GRDP tăng trưởng trên 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp - IIP cố gắng đạt 15%.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,94% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần so với mức bình quân chung cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 81.791 tỷ đồng, tăng 11,96% so với cùng kỳ, bằng 43,05% kế hoạch năm, Số lượng khách du lịch ước khoảng 3.466 lượt khách, tăng hơn 10% so với cùng kỳ…
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Cảng tiếp tục được cải thiện, các hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong 6 tháng, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,98 tỷ USD (thu hút đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế ước đạt 1,9 tỷ USD), tăng 80,10% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch năm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh xã hội của thành phố tiếp tục được quan tâm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế cụ thể chưa đạt kế hoạch đề ra như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,28% so với cùng kỳ, thấp hơn kế hoạch năm là tăng 15%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 46.490 tỷ đồng, giảm 15,17% so với cùng kỳ, bằng 44,41% dự toán Trung ương giao và bằng 39,93% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 69,10 triệu tấn, giảm 3,44% so với cùng kỳ.
Cũng trong 6 tháng qua, thành phố tiếp tục khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu. Đến nay, thành phố mới khởi công, khánh thành 6/18 dự án trọng điểm năm 2023; một số dự án công nghiệp lớn chậm tiến độ so với dự kiến.
Về thu nội địa, mới chỉ có huyện Cát Hải, huyện An Dương và quận Dương Kinh đạt trên 50%; còn lại hầu hết các huyện đạt mức thấp như: quận Kiến An (27%), huyện Vĩnh Bảo (đạt 40%), Thủy Nguyên và Kiến Thụy khoảng 41%.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo địa phương sát sao, rà soát các khoản thu, sắc thuế, đấu giá đất; các địa phương sớm triển khai phân cấp về xác định giá đất, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo để Sở Tài nguyên Môi trường chủ động hướng dẫn.
Về giải ngân vốn đầu tư công, một số địa phương còn chậm như: quận Kiến An và Lê Chân mới đạt 22%; quận Đồ Sơn, huyện Vĩnh Bảo và Bạch Long Vỹ mới đạt 12%.
Để đạt kế hoạch thu ngân sách hơn 42.000 năm 2023 Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các địa phương, các ngành phải quyết tâm cao nhất để hoàn thành theo kế hoạch. các ngành kế hoạch - đầu tư và tài chính rà soát, thoái vốn tại một số doanh nghiệp liên doanh để tập trung vào đầu tư công, bảo đảm hiệu quả.
Ở góc nhìn tổng thể, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tăng trưởng dương và 4 tỉnh tăng trưởng âm. Trong đó, Hậu Giang là địa phương được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước, ước đạt 14,21%. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Giang và thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng dự báo ước đạt lần lượt là 10,94% và 9,94%.
Cũng nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 còn có Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà và Thái Bình.
Như vậy, Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất lọt top 10 địa phương có dự báo tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm. 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn và chỉ xếp hạng mức trung bình cả nước. Cụ thể, Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, chỉ xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng 3,74%, xếp thứ 46; Cần Thơ 3,71%, xếp thứ 47 và thấp nhất là thành phố Hồ Chí Minh 3,55%, xếp thứ 48.