Hàng tại đáy về tài khoản, áp lực chốt lời nhẹ, đà tăng vẫn áp đảo
Sức ép từ bên bán có tín hiệu gia tăng trong phiên chiều nay khi lượng hàng rẻ nhất nhịp điều chỉnh này về tài khoản, nhiều blue-chips tụt xuống khiến VN-Index cũng từ từ thu hẹp biên độ tăng. Tuy nhiên dòng tiền vẫn ổn định, duy trì sắc xanh áp đảo ở cổ phiếu. Chỉ số đóng cửa tăng 5,95 điểm (+0,47%), so với mức đỉnh tăng 12,8 điểm (+1,02%)...
Sức ép từ bên bán có tín hiệu gia tăng trong phiên chiều nay khi lượng hàng rẻ nhất nhịp điều chỉnh này về tài khoản, nhiều blue-chips tụt xuống khiến VN-Index cũng từ từ thu hẹp biên độ tăng. Tuy nhiên dòng tiền vẫn ổn định, duy trì sắc xanh áp đảo ở cổ phiếu. Chỉ số đóng cửa tăng 5,95 điểm (+0,47%), so với mức đỉnh tăng 12,8 điểm (+1,02%).
Thống kê trong rổ VN30 thì phiên chiều có tới 23 cổ phiếu tụt giá so với mức chốt buổi sáng, chỉ 5 mã có tiến triển cao hơn. Đáng chú ý nhất là hai mã trụ VIC và VHM. VIC bốc hơi tới 1,5% so với phiên sáng và đảo chiều thành giảm 0,58% lúc đóng cửa. VHM cũng trả lại thị trường 1,57% và quay đầu giảm 0,23% so với tham chiếu.
Ngoài ra trong nhóm tụt giá của VN30 có cả VCB để mất 0,87% còn tăng 0,55%; BID để mất 0,4% còn tăng 0,72%; CTG tụt 1,38% còn tăng 2,15%; MSN mất 1,06% đảo chiều thành giảm 0,13%...
Chiều nay là thời điểm lượng hàng bắt đáy hôm 16/9 về tài khoản và đó là phiên thị trường tạo đáy, rất nhiều cổ phiếu có giá thấp nhất ở nhịp điều chỉnh này tại phiên T+. Sau phiên hôm qua tăng mạnh bất ngờ và sáng nay tiếp tục lên giá, lợi nhuận ngắn hạn đã hấp dẫn một bộ phận nhà đầu tư chốt lời hoặc ít nhất là hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống.
Dù vậy áp lực bán không quá mạnh. Biểu hiện đầu tiên là thanh khoản phiên chiều khá nhỏ, hai sàn chỉ khớp thêm 7.504 tỷ đồng, thậm chí còn giảm 9% so với giao dịch buổi sáng. HoSE chiều nay giao dịch 7.062 tỷ đồng, giảm 8,7%. Thông thường phiên chiều luôn có thanh khoản cao hơn buổi sáng và đây là lần đầu tiên trong hơn một tháng xuất hiện tình trạng ngược lại.
Biểu hiện thứ hai là độ rộng vẫn thể hiện diễn biến tăng giá áp đảo. VN-Index đóng cửa với 231 mã tăng/148 mã giảm. Số giảm giá nhiều lên đáng kể so với buổi sáng (85 mã giảm) nhưng đại đa số cổ phiếu vẫn chỉ là co hẹp biên độ tăng. Thống kê sàn HoSE vẫn có 79 cổ phiếu tăng trên 1% (phiên sáng là 94 mã). Thanh khoản nhóm khỏe nhất này chiếm xấp xỉ 44% tổng giá trị khớp của sàn. Như vậy nhìn từ góc độ thanh khoản, nhóm thu hút dòng tiền tốt nhất vẫn đang giữ giá và hấp thụ lượng chốt lời nhanh ở chiều tăng.
Lấy ví dụ một số cổ phiếu thanh khoản tốt nhất: SSI đóng cửa còn tăng 2,14% so với tham chiếu, tức là bị ép xuống khoảng 1,04% so với đỉnh, giao dịch kỷ lục 5 tháng với 28,15 triệu cổ và 941,2 tỷ đồng. HCM cũng tụt xuống 2,11% so với giá đỉnh, nhưng vẫn tăng 3,97% so với tham chiếu, thanh khoản 893,7 tỷ, kỷ lục 7 tháng. FPT chỉ để mất 0,44% so với đỉnh, chốt vẫn tăng 1,28%, thanh khoản 722,8 tỷ; MWG tụt 0,58% vẫn tăng 2,1%, thanh khoản 722,1 tỷ… Do biên độ tăng giá ở nhóm dẫn đầu là khá mạnh nên dù bị áp lực chốt lời ép xuống, giá vẫn neo khá tốt ở vùng cao. Đây là tín hiệu của khả năng hấp thụ khối lượng bán ngắn hạn.
Dĩ nhiên với cổ phiếu càng có thanh khoản cao thì nguy cơ sức ép càng lớn vì nhiều người giao dịch trái chiều. Những mã thanh khoản ít lại có lợi thế trong tình huống kiểm soát giá. Ví dụ CTR, FIT, IMP, ST8, TSC vẫn giữ được giá kịch trần; HVN, VTP, ELC, ORS… tụt giá rất ít.
Nhóm giá đỏ hôm nay ngoài VIC, VHM cũng có một số bị xả tương đối mạnh và giá đảo chiều rõ ràng. VRE đóng cửa giảm 1,29% sau nhịp trượt dốc dài, tính ra biên độ giảm so với giá cao nhất hôm nay tới 3,04%. GVR cũng rơi 2,2% thành đảo chiều giảm 0,14%; VCG đảo chiều 2,65% thành giảm 2,39%; DBC đảo chiều 1,51% thành giảm 0,84%. Dù vậy cũng giống như nhóm tăng, nhờ biên độ giá tăng mạnh ban đầu, số cổ phiếu bị ép giảm sâu cuối ngày không nhiều. Toàn sàn HoSE có 148 mã đỏ thì chỉ 36 mã giảm quá 1%, đại đa số thanh khoản thấp.
Khối ngoại phiên chiều giảm cường độ giao dịch nhưng vẫn duy trì mức mua ròng nhẹ 91,8 tỷ đồng trên HoSE. Phiên sáng khối này đã mua ròng 219,7 tỷ đồng. Các mã được mua tốt là SSI +136,9 tỷ, FPT +104,6 tỷ, TCB +55,1 tỷ, TPB +52,5 tỷ, STB +35 tỷ, VNM +34,7 tỷ, VCB +34,7 tỷ, HVN +33,1 tỷ, VHM +32,9 tỷ… Phía bán có HPG -87,3 tỷ, KDH -66,3 tỷ, VPB -61,9 tỷ, CTG -58 tỷ, VCG -46,9 tỷ. Như vậy từ đầu tuần đến nay nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tục sang phiên thứ 3 với khoảng 1.054 tỷ đồng trên sàn HoSE.