Hoàn thành hỗ trợ lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 10
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu đến ngày 5/10 sẽ hoàn thành hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho 386.000 đơn vị sử dụng lao động, trong tháng 10 cơ bản hoàn thành hỗ trợ tiền mặt cho người lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lưu ý nội dụng này tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, sáng 1/10.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với khoảng 38.000 tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có trên 8.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động và trên 30.000 tỷ đồng chi hỗ trợ cho người lao động từ nguồn kết dư của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động lớn nhất từ trước đến nay.
Về nguyên tắc đóng - hưởng, gói hỗ trợ chỉ áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và người lao động có thời gian tham gia dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn.
Tính chia sẻ được thể hiện qua việc, nếu như quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là phải có trên mới 12 tháng tham gia mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng riêng với gói hỗ trợ này người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và con số này sẽ lên tới hàng triệu người.
Riêng người lao động trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cũng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng không hưởng gói hỗ trợ này.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay ngành đã chuẩn bị đồng bộ các giải pháp, điều kiện cần thiết, sẵn sàng thực hiện chính sách hỗ trợ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như bảo hiểm xã hội các địa phương phải sẵn sàng, trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia để xác định chính xác số liệu người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ, và thời gian tham gia bảo hiêm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ.
Đồng thời, chuẩn bị nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hôm nay là ngày đầu tiên chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP chính thức có hiệu lực, vì vậy các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt “vào cuộc” triển khai ngay.
Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng.
Chẳng hạn qua giao dịch trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID, để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, khuyến khích người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay, vừa đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý việc triển khai cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả thực hiện, phấn đấu đến ngày 5/10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động. Cũng trong tháng 10, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động.